Theo số liệu TalentSmart thu thập về sức ảnh hưởng của Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence – EI) trong môi trường công sở: “Trí tuệ cảm xúc có ảnh hưởng 58% đến hiệu suất công việc. 90% những người có hiệu suất làm việc cao nhất đều có trí tuệ cảm xúc cao”. Ngoài ảnh hưởng đến hiệu suất công việc, trí tuệ cảm xúc tạo ra ảnh hưởng đối với doanh nghiệp, theo Six Seconds thì tỉ lệ nghỉ việc của nhân viên đã giảm hơn 63% nhờ áp dụng chương trình nâng cao EQ (Emotional Quotient – thước đo trí thông minh cảm xúc). Vậy trí tuệ cảm xúc là gì? Vai trò của trí tuệ cảm xúc tại nơi công sở là gì? Và làm thế nào để cải thiện được EQ cho nhân viên? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
1. Trí tuệ cảm xúc (EQ) là gì?
Trong bài nghiên cứu về IQ và EQ của mình, ông Sutapa Das đã đưa ra định nghĩa về Trí tuệ cảm xúc: “Trí tuệ cảm xúc là khả năng thống nhất (liên quan nhưng độc lập với trí thông minh chuẩn mực) hữu ích trong việc nhận biết, cảm nhận và đánh giá cảm xúc trong sự hợp tác chặt chẽ với quá trình suy nghĩ của một người để hành xử theo cách phù hợp, vì mục đích cuối cùng là nhận ra hạnh phúc và phúc lợi của bản thân phù hợp với người khác và thước đo trí tuệ cảm xúc là Chỉ số cảm xúc (EQ)” (Gajendran, 2023). Hiểu đơn giản hơn, EQ là độ nhạy bén nhìn nhận cảm xúc, hành vi của người khác từ đó đưa ra cách hành xử phù hợp.
2. EQ có ảnh hưởng như thế nào trong môi trường công sở?
Lãnh đạo với EQ cao giúp gắn kết đội ngũ và tăng cường sự gắn bó của nhân viên với công ty
EQ đóng vai trò quan trọng và góp phần tạo tác động lớn trong môi trường làm việc, kể như: khả năng lãnh đạo, hiệu suất công việc và hiệu quả làm việc đội nhóm, mức độ cam kết với tổ chức/doanh nghiệp. Những người quản lý có EQ cao dựa vào phán đoán về hành vi và điểm mạnh của cấp dưới để phân những công việc phù hợp, điều hướng đội nhóm cùng hoàn thành mục tiêu chung đồng thời gia tăng tính gắn kết trong đội nhóm. Nếu suy xét rộng hơn, chúng ta có thể thấy việc tăng tính gắn kết đội nhóm nhờ khả năng lãnh đạo của người quản lý có EQ cao sẽ tăng tính gắn bó của nhân viên với công ty, điều này có thể góp phần giúp công ty giảm tỉ lệ nghỉ việc của nhân viên.
EQ cao giúp nhân sự giảm căng thẳng, nâng cao kỹ năng làm việc nhóm và tăng hiệu suất công việc
Ngoài tạo ra môi trường làm việc lành mạnh và giảm tỉ lệ nghỉ việc của nhân viên, EQ cao còn góp phần trong việc gia tăng hiệu suất công việc và khả năng làm việc đội nhóm. Vì sao EQ cao có thể giúp gia tăng hiệu suất công việc? EQ cao và khả năng làm việc đội nhóm có liên quan gì đến nhau? Vậy hãy lấy ví dụ, một người nhân viên gặp khó khăn trên khía cạnh nhìn nhận cảm xúc, hành vi của người khác, anh ta có thể hiểu nhầm ý của đồng nghiệp và cấp trên khi trao đổi công việc từ đó dẫn đến làm sai và phải bắt tay vào làm lại công việc ấy từ đầu. Việc này làm giảm hiệu suất làm việc của người nhân viên và đội nhóm anh ta làm việc cùng. Ngược lại, một người nhân viên dễ dàng nắm bắt cảm xúc của cộng sự và có khả năng đưa ra phán đoán dựa trên hành vi của đối phương, cô ta có thể đưa ra những phương án giải quyết công việc phù hợp, có lợi đối phương và vẫn hoàn thành được công việc của cô ta, đội nhóm của cô ta sẽ làm việc ăn ý khi đều có chung mục tiêu hướng tới, từ đấy tiến độ công việc sẽ được đẩy nhanh.
3. Nâng cao EQ nhân sự – Để mỗi tiếng nói đều không lạc giữa “rừng không tiếng”
Trong môi trường công sở, các cuộc hội thoại dễ rơi vào bế tắc khi thiếu sự lắng nghe và đồng cảm. Tại sao tôi nói bạn không hiểu? – Vì sao tôi chia sẻ bạn không nghe? Kết quả là mỗi người chỉ nghe thấy tiếng vọng cái tôi của mình. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần mà còn làm giảm năng suất làm việc và mức độ gắn kết của nhân viên. Do đó, việc tổ chức các chương trình đào tạo và hoạt động nhằm nâng cao trí tuệ cảm xúc (EQ) để cải thiện khả năng thấu cảm và lắng nghe là vô cùng cần thiết và hữu ích.
Khác với trí thông minh (IQ), trí tuệ cảm xúc (EI) có thể được cải thiện qua quan sát, học hỏi, và trải nghiệm. Việc phát triển EQ chủ yếu phụ thuộc vào thái độ và sự sẵn sàng phát triển của một người (attitude), hơn là dựa trên các đặc điểm tính cách cố định (personality traits).
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang triển khai các chương trình đào tạo nâng cao trí tuệ cảm xúc cho nhân sự nhằm giảm căng thẳng, cải thiện khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, và xây dựng môi trường làm việc hợp tác. Một trong những chương trình nổi bật là ‘Search Inside Yourself’ (SIY) của Google, ra mắt vào năm 2007, tập trung phát triển EQ thông qua thực hành chánh niệm và tự nhận thức. Chương trình này không chỉ được triển khai trong nội bộ Google mà còn lan rộng ra nhiều tổ chức khác, với hàng ngàn người tham gia và ghi nhận kết quả tích cực như giảm căng thẳng và tăng cường sự đồng cảm.
Các chương trình nâng cao EQ không chỉ cải thiện mối quan hệ giữa nhân sự, quá trình tuyển dụng, mà còn nâng cao tinh thần hợp tác, hiệu suất làm việc và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
4. Hít sâu – Nghĩ kĩ – Làm chủ bản thân để dẫn dắt mọi cuộc đối thoại
Ông bà ta có câu ‘biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng.’ Khi bạn có thể bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, làm chủ cảm xúc của bản thân, và lựa chọn cách ứng xử phù hợp, bạn hoàn toàn có thể tạo ra những cuộc giao tiếp hiệu quả. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng suất công việc mà còn giúp bạn đạt được những kết quả tốt nhất.
Một số phương pháp can thiệp cải thiện EQ hiệu quả có thể kể đến:
a. Đào Tạo Trí Tuệ Cảm Xúc (EI):
Dù EI vẫn còn khá mới trong môi trường làm việc, các chương trình can thiệp nhằm phát triển các năng lực cảm xúc và xã hội đã được phát triển trong suốt hơn 40 năm qua. Những chương trình này không chỉ cải thiện trí tuệ cảm xúc của nhân viên mà còn góp phần nâng cao hiệu suất công việc tổng thể.
b. Đào Tạo Quan Hệ Con Người:
Một trong những can thiệp quan trọng ban đầu là chương trình đào tạo về quan hệ con người từ những năm 1950 tại Đại học Bang Pennsylvania. Chương trình này nhắm đến các kỹ năng như Nhận Thức Bản Thân, Đồng Cảm, và Lãnh Đạo thông qua các phương pháp học tập và thực hành trải nghiệm. Kết quả nghiên cứu dài hạn cho thấy những nhà quản lý tham gia đào tạo đã cải thiện đáng kể khả năng nhận thức bản thân và giao tiếp hiệu quả hơn so với nhóm đối chứng.
c. Đào Tạo Mô Hình Hành Vi:
Dựa trên lý thuyết học tập xã hội của Bandura, phương pháp này đã được sử dụng rộng rãi để đào tạo các giám sát viên trong nhiều ngành công nghiệp. Quá trình đào tạo bao gồm quan sát hành vi tích cực, đóng vai và nhận phản hồi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng giám sát viên được đào tạo có sự cải thiện rõ rệt trong hành vi và hiệu suất công việc, bao gồm việc giảm thiểu tai nạn và khiếu nại.
d. Đào Tạo Tự Quản Lý:
Phương pháp này, ban đầu được phát triển bởi các nhà tâm lý học lâm sàng, tập trung vào việc giúp nhân viên tự quản lý cảm xúc bằng cách kiểm soát hành vi. Một ví dụ tiêu biểu từ một cơ quan chính phủ cho thấy nhân viên được đào tạo có sự cải thiện rõ rệt trong việc đi làm đúng giờ và duy trì sự tiến bộ này tốt hơn so với nhóm đối chứng.
e. Thúc Đẩy Các Lĩnh Vực Cụ Thể của EI:
Các kỹ thuật nhằm phát triển EI bao gồm đánh giá và phản hồi, thiền chánh niệm để cải thiện Nhận Thức Bản Thân, các chiến lược nhận thức cho Tự Điều Chỉnh, và các bài tập đồng cảm. Kỹ năng xã hội có thể được phát triển thông qua mô hình hành vi và các phương pháp khác.
f. Triển Khai Hiệu Quả:
Thành công của các chương trình đào tạo EI phụ thuộc vào thiết kế và triển khai các biện pháp can thiệp một cách phù hợp. Nghiên cứu trong tâm lý trị liệu cũng có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích để nâng cao hiệu quả của các chương trình này.
5. Mô hình SEL trong cải thiện EQ: Hóa thân thành nhạc sĩ, biến mỗi cuộc hội thoại thành bản nhạc thư giãn
Dẫn dắt người cảm xúc người nghe theo chiều hướng tích cực, làm chủ cảm xúc của bạn và cuộc hội thoại như một nhạc sỹ chơi đàn.
a. Mô hình SEL cải thiện kỹ năng cảm xúc và khả năng hợp tác của nhân sự như thế nào?
Mô hình SEL là một mô hình hành động dựa trên nghiên cứu về Học Tập Cảm Xúc Xã Hội (Social and Emotional Learning). Mô hình này được lấy cảm hứng từ công trình của Prochaska (1999). Mô hình bao gồm các bài tập và chia sẻ nhằm tác động vào năm lĩnh vực chính cấu thành chỉ số EQ của một người. Mục tiêu là giúp cá nhân dần dần nắm được nguyên lý cơ bản của trí tuệ cảm xúc (EI) và cải thiện cách nhìn nhận sự việc, quản lý cảm xúc, và kỹ năng đối nhân xử thế. 5 lĩnh vực đó bao gồm:
- Nhận thức về bản thân (Self-Awareness): Hiểu biết về cảm xúc, điểm mạnh, điểm yếu, và giá trị cá nhân.
- Quản lý cảm xúc (Self-Management): Kỹ năng điều chỉnh và kiểm soát cảm xúc để phản ứng phù hợp.
- Nhận thức xã hội (Social Awareness): Hiểu và đồng cảm với cảm xúc của người khác và các tình huống xã hội.
- Kỹ năng quan hệ (Relationship Skills): Xây dựng và duy trì các mối quan hệ tích cực và hiệu quả.
- Ra quyết định có trách nhiệm (Responsible Decision-Making): Đưa ra quyết định dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng và có trách nhiệm với bản thân và người khác.
Intel là một trong những công ty đã triển khai thành công các chương trình SEL, nhằm thúc đẩy trí tuệ cảm xúc, khả năng lãnh đạo và làm việc nhóm cho nhân viên của mình. Sau một thời gian áp dụng mô hình SEL vào quy trình đào tạo nhân sự, Intel nhận thấy rằng:
Tác động đến công ty:
- Cải thiện sự hợp tác: Intel nhận thấy rằng việc thúc đẩy trí tuệ cảm xúc thông qua SEL đã nâng cao sự hợp tác giữa các đội nhóm. Nhân viên trở nên thấu cảm hơn và quản lý xung đột hiệu quả hơn.
- Phát triển khả năng lãnh đạo: Các chương trình đào tạo dựa trên SEL đã tạo ra những nhà lãnh đạo có trí tuệ cảm xúc cao hơn, những người có khả năng truyền cảm hứng và quản lý nhóm hiệu quả hơn.
- Tăng cường sự gắn kết của nhân viên: Các sáng kiến SEL đã góp phần làm tăng mức độ gắn kết của nhân viên và sự hài lòng trong công việc, dẫn đến một lực lượng lao động có động lực và hiệu quả hơn.
Kết quả tích cực:
- Cải thiện hiệu suất và tinh thần: Intel ghi nhận sự cải thiện đáng kể trong hiệu suất làm việc và tinh thần của nhân viên.
- Tăng cường sáng tạo và giải quyết vấn đề: Văn hóa làm việc dựa trên trí tuệ cảm xúc đã nâng cao khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề của công ty, nhờ vào việc khuyến khích giao tiếp cởi mở và hợp tác.
b. Chuẩn bị nền móng vững chắc trước khi triển khai mô hình SEL cho nhân sự
- Tạo môi trường khuyến khích: Đảm bảo rằng môi trường tổ chức hỗ trợ SEL, với sự lãnh đạo tích cực và môi trường học tập an toàn và hỗ trợ.
- Đo lường sự sẵn sàng: Đánh giá động lực và sự sẵn sàng của người học. Cung cấp can thiệp để giúp họ chuyển từ giai đoạn tiền cân nhắc sang giai đoạn chuẩn bị và hành động.
- Đặt mục tiêu rõ ràng và có ý nghĩa: Khi người học đã sẵn sàng, hỗ trợ họ đặt mục tiêu cụ thể và dễ quản lý để duy trì động lực.
- Sử dụng mô hình kỹ năng mong muốn: Cung cấp ví dụ rõ ràng về các kỹ năng cần học thông qua việc mô hình hóa và phản hồi.
c. Xây dựng động lực và học cách tự định hướng:
- Tăng cường động lực: Giúp người học nhận ra lợi ích của SEL, đánh giá năng lực cá nhân và phát triển sự tự tin. Áp dụng các kỹ thuật động lực và đảm bảo người học thấy được sự liên quan của SEL với cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của họ.
- Học tập tự định hướng: Cho phép người học tự điều hướng quá trình học của mình, từ đó tăng cường động lực và thúc đẩy sự thay đổi lâu dài.
Chuẩn bị môi trường hỗ trợ và thiết lập mục tiêu rõ ràng sẽ thúc đẩy sự phát triển cảm xúc hiệu quả hơn. “Môi trường nuôi dưỡng ước mơ, mục tiêu dẫn lối thành công.”
d. Khuyến khích thực hành kỹ năng mới và cung cấp phản hồi về hiệu suất
Học tập cảm xúc xã hội không chỉ là học tập nhận thức mà còn là yêu cầu thực hành để có thể tái cấu trúc kết nối thần kinh trong não. Do vậy, việc thường xuyên thực hành sẽ giúp nỗ lực phát triển đạt được kết quả lâu dài và hoàn thiện hơn.
e. Giúp người học chống lại những khó khăn
Không phải ai cũng giống nhau và cảm xúc con người luôn khó đoán, vì vậy, việc dự đoán và lập kế hoạch cho những khó khăn giúp người học duy trì các kỹ năng mới và phòng tránh được những khó khăn có thể xảy ra trong quá trình học. Các kỹ thuật như ngăn ngừa tái phát chuẩn bị cho người học cách đối phó với những trở ngại bằng cách dự đoán các vấn đề tiềm ẩn và phát triển chiến lược để vượt qua chúng.
f. Xây dựng hỗ trợ sau chương trình
Cũng như cây xanh, nếu muốn phát triển thì cần có môi trường tốt. Hỗ trợ từ môi trường tổ chức là yếu tố quan trọng để duy trì kỹ năng mới, bao gồm việc kiểm soát kích thích và sử dụng phần thưởng cũng như hình phạt. Nhóm hỗ trợ và sự củng cố từ huấn luyện viên có thể tăng cường việc duy trì kỹ năng. Tự củng cố cũng hiệu quả trong việc duy trì lâu dài, như các chiến lược tự quản lý trong quản lý căng thẳng đã chứng minh.
Nguồn:
- Goleman, D. (1998). Working with Emotional Intelligence. Cuốn sách này thảo luận về việc Intel sử dụng các nguyên tắc SEL để phát triển trí tuệ cảm xúc và nêu bật thành công của công ty với các sáng kiến này.
- Các Chương Trình Phát Triển Lãnh Đạo của Intel: Các nghiên cứu trường hợp về đào tạo trí tuệ cảm xúc tại Intel có thể được tìm thấy trong các báo cáo kinh doanh về lãnh đạo và SEL, cho thấy trí tuệ cảm xúc ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa công ty và năng suất như thế nào.
- Gillett, R. (2015, April 9). Inside Google’s insanely popular emotional intelligence course. Fast Company.
- Search Inside Yourself Leadership Institute. (n.d.). Results. SIY Global.
- Cherniss, C. (2009). The emotionally intelligent workplace: How to select for, measure, and improve emotional intelligence in individuals, groups, and organizations. ResearchGate.
- Goleman, D. (2005). Emotional intelligence: 10th-anniversary edition. Bantam Books.
- Gajendran, G. (2023). MULTIDISCIPLINARY SUBJECTS MODERN TRENDS IN MULTIDISCIPLINARY SUBJECTS VOLUME -1.
Brain Cooks