Trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển này thì IT được ví như vua của mọi nghề vậy.
Thi đại học ngành gì?
IT.
Ra trường làm gì?
IT.
Việc gì lương cao?
Vẫn là IT.
Khi mà những trung tâm, những khóa học 3-6 tháng cam kết học xong bao việc, bao lương cao mọc lên như nấm; những anh hàng xóm làm IT lương tháng trăm triệu xuất hiện đầy các mạng xã hội. Người người nhà nhà thi nhau chuyển nghề, đổi ngành, cạnh tranh nhau để đặt chân vào mảnh đất này. Và một trong những ngành hot nhất, dễ tiếp cận nhất với những người trái ngành như này, chính là Tester – Nhân viên kiểm thử phần mềm. Vậy, trái ngành rẽ hướng sang Tester cần gì để có thể cạnh tranh cơ hội việc làm, để có thể làm tốt và thăng tiến trong công việc này? Với tư cách cũng là một người rẽ hướng sang từ một ngành nghề khác, dưới bài viết này tôi sẽ chia sẻ quan điểm cá nhân cũng như kinh nghiệm của bản thân của mình khi là một Tester.
1. Xác định mục tiêu nghề nghiệp
Trước khi bắt đầu học, làm một thứ gì thì bạn cần phải tìm hiểu rõ về nó. Xem là ngành nghề này yêu cầu bạn phải có những kĩ năng nào, bạn có đáp ứng được hay không và có thực sự hứng thú, yêu thích nó hay không.
Tester hiện tại có 2 mảng là Manual test (test thủ công) và Automation test (test sử dụng tool). Thường thì những người trái ngành chuyển sang sẽ bắt đầu với Manual test trước vì Auto test yêu cầu bắt buộc bạn phải biết một ngôn ngữ lập trình, biết về code. Cho nên Manual test luôn là lựa chọn tốt nhất cho người mới muốn tiếp cận ngành một cách dễ dàng.
Sau khi đã có quyết tâm theo nghề, thực sự muốn phát triển thì bước tiếp theo là vạch ra lộ trình thăng tiến rõ ràng. Đối với Tester, lộ trình được chia làm 6 giai đoạn như sau:
- Fresher: người mới, đang trong giai đoạn tích lũy kiến thức và kinh nghiệm
- Junior: Tester đã thành thạo các kĩ năng cơ bản
- Senior: chuyên gia
- Test leader: Quản lý một nhóm tester
- Test Manager: Quản lý toàn bộ hoạt động của dự án
- Senior Test Manager: Test Manager đã có nhiều năm kinh nghiệm
2. Học các khái niệm về kiến thức về Testing
Trước khi đi vào tìm hiểu các kiến thức chuyên môn, thì những kĩ năng tay trái như: tin học văn phòng, sử dụng internet, cài đặt – sử dụng phần mềm, kĩ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm,… cũng rất quan trọng. Ngoại ngữ cũng là thứ không thể thiếu khi mà các tài liệu đa số là tiếng Anh và gần như toàn bộ các công ty công nghệ đều yêu cầu nhân viên của mình biết tiếng Anh. Với kinh nghiệm là một Manual Tester, theo tôi, bạn cần chuẩn bị những kiến thức sau để có thể trở thành một Tester thực sự:
- Kỹ năng viết testcase, testplan, test report.
- Kỹ thuật thiết kế testcase
- Log bug và sử dụng phần mềm quản lý bug
- Kỹ năng sử dụng, thao tác trên các nền tảng: app, web, games,…
- Khả năng đánh giá rủi ro
- Hiểu biết về SQL, API
Những kiến thức này bạn hoàn toàn có thể tìm thấy trên Google, Youtube hay những sách chuyên ngành. Hoặc đơn giản nhất là tham gia một khóa học tại các trung tâm đào tạo Tester để có thể nhanh chóng tiếp nhận kiến thức. Sau khi đã có nền tảng kiến thức, hiểu biết về testing rồi thì bạn cần tìm ngay một môi trường tốt để mình học tập, thực hành những gì được học để nâng cao trình độ chuyên môn của mình hơn. Miến là không ngại khó ngại khổ, chấp nhận thực tập một thời gian để trau dồi chuyên môn thì việc bạn phát triển ở trong ngành này là việc hoàn toàn có thể xảy ra.