Lịch sử nông thôn suốt hơn 4.000 năm của dân tộc Việt Nam ta gói gọn trong khái niệm “Làng”. Hiểu về làng, ta có thể phần nào hiểu được văn hóa, tập quán, phong tục và cả tính cách của người Việt. Bên cạnh những mặt tích cực, làng xã còn được xem là hiện thân của triều đình phong kiến thu nhỏ với những thủ đoạn bóc lột ngang nhiên của bọn cường hào, địa chủ, bọn thực dân phong kiến tàn ác lợi dụng sự mê tín của dân chúng nhằm thực hiện chính sách bóc lột, trục lợi cho mình. Nhận thức sâu sắc và cảm nhận được nỗi khốn cùng của số phận của người nông dân Việt Nam trước giai đoạn năm 1945, nhà văn Ngô Tất Tố đã cho ra đời thiên phóng sự Việc làng.
Thiên phóng sự Việc làng, được xem là phóng sự toàn diện, rõ nét nhất về nông thôn Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, thông qua 16 phận đời, 16 bức tranh toàn cảnh về “việc làng”, về những hủ tục, tập quán đương thời nơi làng quê Bắc Bộ. Nhà văn Ngô Tất Tố đã thuật lại 16 câu chuyện mang đúng tính chất của phóng sự, ông hoàn toàn không gửi gắm tâm tư, cảm xúc cá nhân vào tác phẩm của mình, dù vậy, vẫn khiến người đọc không khỏi hình dung được những gánh nặng vô hình mang tên hủ tục, lệ làng, nó chôn vùi người nông dân vào sâu trong sự bần cùng, nghèo khổ, mãi mãi không cách nào thoát ra được.
Bằng việc khai thác góc nhìn một cách tinh tế, nhà văn Ngô Tất Tố đã chỉ ra các hủ tục lạc hậu, vô lý ở rất nhiều khía cạnh. Đó có thể là tục “vào ngôi” khi trẻ con vừa ra đời, là tục xin “đặt hậu” ở làng để sau khi mình chết có dân làng lo an táng giúp đỡ, hủ tục “nhập ngôi” của dân ngụ cư, hay tục ăn vạ của làng… Hơn thế nữa, bất kể là lễ hội gì, từ tết nhất, lễ Thượng điền, tế thần Thành Hoàng, lễ mua nhiêu, mua ấm… thì bọn kỳ mục lại lợi dụng những dịp này để bày mâm cỗ chè chén no say. Số tiền phung phí cho hủ tục, lệ làng đều là từ việc bòn rút người nông dân đến tận xương tủy. Buộc họ phải bán ruộng, phá nhà, vay nặng lãi… chỉ vì muốn có đủ tiền để lo “việc làng”. Hệ lụy mà chúng gây ra cho người dân là hết sức nghiêm trọng. Họ rơi vào cảnh điêu đứng, khốn cùng, nợ nần chồng chất qua nhiều thế hệ, “một bữa lệ làng có thể gây cho người ta món nợ lãi chung thân không trả hết”, thậm chí bị ép vào con đường túng quẫn, kết liễu cuộc đời.
Đó là còn chưa kể những con người bị ăn mòn, bám rễ bởi suy nghĩ sống là phải “có ngôi” ở làng, phải “nở mày nở mặt” với người này người kia. Họ không chỉ cam chịu mà đôi khi còn lấy làm hãnh diện khi đã tổ chức cho làng được bữa cỗ linh đình. Dù cho, có phải đi vay mượn hay dùng tiền tích cóp cả đời để dồn vào mâm cỗ ấy. Dù cho, sau bữa cỗ, họ trở nên nghèo khó, bữa đói bữa no thì với họ, đó chính là niềm vui sướng, mãn nguyện bởi họ nghĩ “mình thế là cũng được người làng trọng vọng”…