Thiết Lập Trạm Hỗ Trợ Tâm Lý Tại Nơi Làm Việc

Cầu Dừa Đủ Điểm

“Người với người sống để yêu nhau” – câu ca dao xưa không chỉ nhắc nhở chúng ta về lòng nhân ái trong cuộc sống, mà còn là kim chỉ nam để xây dựng môi trường làm việc nhân văn và bền vững. Thế nhưng, giữa vòng xoáy công việc hiện đại, không ít người đang quên mất việc yêu thương chính mình. Tại các văn phòng hiện đại ngày nay, tình trạng stress, căng thẳng, thậm chí là burnout đang diễn ra ngày càng phổ biến – âm thầm nhưng đầy nguy hiểm.

Theo khảo sát từ nền tảng Anphabe công bố đầu năm 2025 (1), hơn 60% nhân viên văn phòng Việt Nam cho biết họ từng trải qua giai đoạn khủng hoảng tinh thần do áp lực công việc, mối quan hệ nội bộ hoặc sự mơ hồ về tương lai. Một bạn nhân viên trẻ tại phòng Kinh doanh chia sẻ: “Có những ngày mình chỉ muốn khóc trong nhà vệ sinh, nhưng lại phải bước ra ngoài với nụ cười thật tươi vì không muốn ảnh hưởng đến team.” Những câu chuyện như vậy không hiếm, và điều đáng lo ngại hơn cả, là đa phần người trong cuộc không biết mình đang kiệt sức – cho đến khi quá muộn.

Tại Ecomobi, một môi trường trẻ trung và đổi mới không ngừng, đôi khi nhịp độ tăng trưởng và áp lực deadline khiến nhiều nhân viên cảm thấy quá tải mà không dám lên tiếng. Những buổi họp kéo dài, những kỳ OKR dồn dập, những mục tiêu “thách thức” – tất cả đang vô tình đẩy nhiều người vào tình trạng làm việc trong trạng thái… mất kết nối với chính cảm xúc của mình. Sức khỏe tinh thần không phải chuyện cá nhân, mà là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất công việc, khả năng sáng tạo và cả cách mà mỗi người tương tác với đồng nghiệp, với khách hàng. Một nhân viên làm việc trong trạng thái lo âu kéo dài sẽ khó lòng giữ được sự tỉnh táo, bình tĩnh và tích cực – những điều vốn là “nền móng” trong văn hóa Eco. Trong khi nhiều công ty quốc tế đã bắt đầu xây dựng các phòng hỗ trợ tâm lý (mental wellness station) như một phần không thể thiếu của môi trường làm việc, thì ở Việt Nam – đặc biệt tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ – mô hình này vẫn còn mới mẻ, thậm chí gây e dè.

Bài viết này sẽ cùng bạn tìm hiểu vì sao việc thiết lập một phòng hỗ trợ tâm lý tại nơi làm việc là một giải pháp cấp thiết trong bối cảnh hiện tại, phân tích những lợi ích cụ thể mà mô hình này có thể mang lại cho cả nhân viên lẫn doanh nghiệp, đồng thời đề xuất cách triển khai phù hợp với văn hóa công ty và những lưu ý cần thiết để đảm bảo hiệu quả cũng như sự đón nhận tích cực từ nội bộ. Bởi hơn ai hết, chúng ta hiểu rằng một nơi làm việc đáng mơ ước không chỉ có lương tốt, phúc lợi hấp dẫn, mà còn cần có một không gian an toàn để mỗi người được là chính mình, được lắng nghe và được chữa lành.

1. Vì sao Ecomobi nên có phòng hỗ trợ tâm lý?


Chúng ta đều biết rằng Ecomobi hiện đang thuộc top các công ty marketing tăng trưởng mạnh trong ngành. Nói riêng về ngành marketing thì đây vốn là một lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo liên tục, khả năng xử lý tình huống linh hoạt và giao tiếp hiệu quả với khách hàng. Đặc thù là nhân viên trong ngành thường xuyên phải đối mặt với những deadline gấp gáp, yêu cầu khắt khe từ khách hàng, đồng thời phải duy trì hình ảnh chuyên nghiệp và tinh thần tích cực trong mọi tình huống. Áp lực công việc, cộng thêm thời gian làm việc kéo dài, thường xuyên OT để hoàn thành dự án khiến mức độ căng thẳng tăng cao và trở thành một phần “bình thường hóa” trong văn hóa công sở.

Tuy nhiên, chính sự “bình thường hóa” đó lại dẫn đến những hệ lụy đáng lo ngại. Stress kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất – như mất ngủ, đau đầu mãn tính, suy giảm hệ miễn dịch – và sức khỏe tinh thần như lo âu, trầm cảm nhẹ, hay mất phương hướng nghề nghiệp. Khi tâm lý không ổn định, sự sáng tạo – tài sản cốt lõi của người làm marketing – bị bóp nghẹt, hiệu suất làm việc suy giảm, và mối quan hệ với khách hàng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

Không những vậy, áp lực tâm lý còn là nguyên nhân khiến nhiều nhân viên marketing mất động lực, không còn hứng thú với công việc, và cuối cùng dẫn đến nghỉ việc hoặc “quiet quitting” – làm việc cầm chừng, không đóng góp giá trị thực sự. Tất cả những yếu tố này khiến doanh nghiệp rơi vào vòng luẩn quẩn: hiệu suất thấp – tinh thần giảm – turnover tăng.

Vì vậy, trong bối cảnh ngành marketing ngày càng cạnh tranh, việc thiết lập phòng hỗ trợ tâm lý là một bước đi chiến lược, góp phần xây dựng môi trường làm việc bền vững, nơi nhân viên được đồng hành không chỉ về chuyên môn mà cả sức khỏe tinh thần.


2. Lợi ích của phòng hỗ trợ tâm lý đối với doanh nghiệp và nhân viên


Một phòng hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp – có thể là một không gian riêng tư, một kênh tư vấn trực tuyến, hoặc sự hợp tác với chuyên gia tâm lý ngoài công ty – sẽ tạo ra nhiều giá trị lâu dài cho cả nhân viên và doanh nghiệp.

Đối với nhân viên:
Cải thiện tinh thần và cảm xúc: Việc được chia sẻ và nhận tư vấn từ chuyên gia giúp nhân viên “gỡ nút thắt” tâm lý, từ đó giảm bớt căng thẳng, lo âu và tránh những hành vi tiêu cực trong công việc.

Tăng khả năng sáng tạo và tập trung: Khi tinh thần ổn định, nhân viên có thể phát huy tối đa khả năng sáng tạo – yếu tố sống còn trong lĩnh vực marketing.

Tạo cảm giác được lắng nghe và trân trọng: Biết rằng công ty quan tâm đến sức khỏe tinh thần khiến nhân viên cảm thấy mình được thấu hiểu, từ đó hình thành sự gắn bó lâu dài với tổ chức.

Đối với doanh nghiệp:
Giảm tỷ lệ nghỉ việc (turnover): Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến nhân viên nghỉ việc là căng thẳng kéo dài mà không có nơi hỗ trợ. Phòng tâm lý là “van an toàn” giúp giữ chân nhân tài.

Tăng hiệu suất và chất lượng công việc: Nhân viên ổn định về tâm lý sẽ làm việc hiệu quả hơn, tương tác tốt hơn với khách hàng, xử lý tình huống chuyên nghiệp hơn.

Xây dựng hình ảnh doanh nghiệp nhân văn: Trong mắt ứng viên và đối tác, một công ty biết quan tâm đến đời sống tinh thần của nhân viên không chỉ là nơi làm việc tốt mà còn là một thương hiệu đáng tin cậy.


3. Các bước thiết lập phòng hỗ trợ tâm lý

Vậy đối với mô hình tổ chức và quy mô nhân sự của Ecomobi thì có thể thiết lập phòng hỗ trợ tâm lý này như thế nào?


Bước 1: Chúng ta sẽ xác định mô hình tổ chức phòng hỗ trợ tâm lý phù hợp, vì Ecomobi có các chi nhánh trong và cả ngoài nước nên mô hình offline kết hợp online là phù hợp nhất. Với trụ sở HN có quy mô nhân sự đông đảo thì có thể setup 1 phòng hỗ trợ offline còn đối với các chi nhánh còn lại, chúng ta sẽ triển khai mô hình online.thông qua các nền tảng Zoom hay GG meet.
Bước 2: Nhân sự chuyên môn
Chúng ta có thể tổ chức các buổi hỗ trợ tâm lý định kỳ theo lịch cố định, như vậy có thể hợp tác với các chuyên gia tâm lý hay trung tâm hỗ trợ tâm lý theo hình thức part time để tiết kiệm chi phi.

Bước 3: Quy trình hoạt động
– Có thể tổ chức các buổi hỗ trợ tư vấn theo tháng hoặc theo quý.
– Nhân viên đăng kí tư vấn trước khi lịch tư vấn diễn ra: có thể đăng ký qua form kèm theo vấn đề đang cần được hỗ trợ.
– Tổng hợp nhu cầu để làm việc với team hỗ trợ.
– Thu thập feedback sau mỗi buổi tư vấn để cải thiện hiệu quả.

Bước 4. Dự toán chi phí:
+Chi phí nhân sự chuyên môn : 20M-25M/lần tư vấn đối với các trung tâm hỗ trợ.
+Chi phí cơ sở vật chất: đối với hình thức offline thì có thể sử dụng luôn các phòng họp của công ty, còn online thì dùng các phần mềm Lark hay Zoom free. Như vậy có thể tiết kiệm phần chi phí này.
+Chi phí truyền thông :Thiết kế poster, package quà tặng hoặc setup trả bánh khoảng 7-10M cho mỗi đợt tư vấn.
Vậy tổng cộng sẽ cần khoảng 30-40M cho mỗi đợt tư vấn.


Một số mô hình phòng tâm lý tham khảo

Nhân đây chúng tôi cũng xin lấy ví dụ một số mô hình phòng tâm lý đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng hiện nay:


1 Phòng hỗ trợ nội bộ
: công ty xây dựng 1 phòng hỗ trợ tâm lý riêng và cố nhân viên tư vấn tâm lý cố định.
Ưu điểm: Linh hoạt, riêng tư, tạo cảm giác “có chỗ an toàn” cho nhân viên.
Nhược điểm: chi phí vận hành khá lớn
Hình thức này sẽ phù hợp với các công ty có quy mô nhân sự rất lớn, hiện nay có Google đang áp dụng hình thức này.

2 Liên kết đối tác ngoài: liên kết với 1 trung tâm tư vấn lý bên ngoài để tạo các package tư vấn tâm lý cho nhân viên ( có thể là free hoặc voucher ưu đãi)
Ưu điểm: tiết kiệm chi phí, nhân viên có nhiều sự lựa chọn
Nhược điểm: thiếu tính kết nối và thân quen với nhân viên,
Unilever Việt Nam từng hợp tác với tổ chức MindfulVN để cung cấp gói counseling cho nhân viên.


3. Hỗ trợ tâm lý từ xa: tư vấn online, tích hợp với các phần mềm tư vấn tâm lý
Dành cho công ty có nhiều chi nhánh khác nhau, khó để tổ chức các buổi offline tại từng chi nhánh.
Microsoft cung cấp miễn phí ứng dụng mindfulness và trị liệu online cho nhân viên toàn cầu.


4. Tích hợp vào chương trình phúc lợi
Thay vì tạo ra hẳn 1 phòng hỗ trợ tâm lý riêng biệt, thì hình thức này sẽ tích hợp vào chính sách phúc lợi hàng năm cho nhân viên dưới dạng gói bảo hiểm có bao gồm bảo hiểm sức khỏe tâm thần, hay là các khóa học về trị liệu tâm lý..
Ưu điểm: nâng cao văn hóa doanh nghiệp,
Nhược điểm:
-phúc lợi này sẽ dễ bị “hòa tan” nếu truyền thông nội bộ chưa đủ tốt.
-khó đo lường hiệu quả riêng biệt
-chi phí cố định lớn nhưng ko tập trung

Salesforce đầu tư chương trình “Mindfulness at Work”, mỗi năm nhân viên đều có các khóa huấn luyện resilience (khả năng phục hồi cảm xúc).

Vậy với Ecomobi thì chúng ta sẽ kết hợp giữa mô hình 1.2 và 3
-Có phòng hỗ trợ nội bộ tại chi nhánh chính. và ký hợp tác định kỳ với đối tác tâm lý ngoài thay vì setup các nhân viên tư vấn cố định

-Có thêm kênh tư vấn online tiện lợi cho chi nhánh nước ngoài.

Tóm lại, trong thời đại mà mọi thứ đều chuyển động nhanh hơn, con người lại dễ rơi vào tình trạng… không kịp nhận ra mình đang mệt. Chúng ta nói nhiều đến công nghệ, đến năng suất, đến hiệu quả nhưng lại thường lãng quên một điều căn bản: con người không phải là cỗ máy. Ngay chính những thành viên trong nhóm chúng tôi cũng không ít lần cảm thấy rất áp lực, muốn dừng lại vì không thể tìm cho mình một lối ra giữa hàng tá công việc dồn dập. Mỗi người làm việc đều mang theo cảm xúc, tổn thương, ước mơ và cả những nỗi lo thầm lặng mà không ai nhìn thấy. Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc không chỉ là một giải pháp nhân văn, mà còn là chiến lược quản trị con người mang tính bền vững.

Không ít người nghĩ rằng việc mở một phòng hỗ trợ tâm lý chỉ phù hợp với các tập đoàn lớn, có ngân sách dồi dào. Nhưng thực tế cho thấy, những thay đổi tích cực có thể bắt đầu từ những hành động rất nhỏ. Chúng tôi hiểu rằng, tại Ecomobi, bộ phận People luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến cảm xúc và đời sống tinh thần của nhân viên. Những buổi sinh hoạt ngoài giờ, những chuyến đi chơi thư giãn hay những khoảnh khắc gắn kết tại văn phòng – tất cả đều cho thấy nỗ lực xây dựng một môi trường làm việc gần gũi và đầy cảm hứng. Vậy thì, tại sao chúng ta không nghĩ đến những kế hoạch mang tính lâu dài và sâu sắc hơn nữa? Tại một công ty công nghệ trẻ ở TP.HCM, sau một đợt burnout tập thể, ban lãnh đạo quyết định thử nghiệm mô hình “Góc lặng” – một căn phòng nhỏ yên tĩnh, nơi bất kỳ ai cũng có thể ghé vào nếu cảm thấy cần được thả lỏng. Chỉ trong ba tháng, tỷ lệ nghỉ việc trong nội bộ giảm gần 20%, nhiều nhân viên bày tỏ sự biết ơn vì “có nơi để thở” giữa guồng quay công việc quá nhanh. Không cần trang bị cầu kỳ, chỉ cần có sự thấu hiểu và cam kết từ lãnh đạo, một không gian tinh thần tích cực hoàn toàn có thể được tạo ra. Những điều này, chúng tôi tin Ecomobi đều có khả năng làm được.

Tại các tập đoàn toàn cầu như Google hay Unilever, mô hình “mental wellness zone” hay “employee wellbeing program” đã được triển khai từ lâu như chúng tôi ví dụ bên trên. Những buổi tư vấn cá nhân, lớp yoga buổi trưa, hay chỉ đơn giản là một đường dây nóng nội bộ — tất cả đều hướng đến một mục tiêu chung: giữ cho con người được kết nối với chính mình trong khi vẫn đồng hành cùng tổ chức. Và điều đặc biệt là, chính từ sự an toàn tinh thần ấy, năng suất và sự sáng tạo mới có cơ hội nảy mầm.

Đã đến lúc Ecomobi nên nhìn nhận sức khỏe tinh thần như một chỉ số vận hành thực thụ – không kém cạnh doanh thu, tăng trưởng hay OKR. Một đội ngũ vững về tâm lý sẽ đi xa hơn, bền hơn, và gắn bó hơn với sứ mệnh công ty.

Vì vậy, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, nhưng đừng chờ đợi. Có thể là một cuộc khảo sát ngắn về cảm xúc của nhân viên. Có thể là một buổi trò chuyện không phán xét. Có thể chỉ là một email đơn giản để hỏi: “Bạn có ổn không?”. Đó có thể là bước khởi đầu cho một hành trình chữa lành dài lâu – không chỉ cho nhân viên, mà cho cả văn hóa doanh nghiệp.

Bởi cuối cùng, điều giữ chân một người không chỉ là mức lương hay chức danh, mà là cảm giác được thuộc về, được hiểu, và được làm việc trong một nơi mà tinh thần cũng được nuôi dưỡng như một giá trị cốt lõi.

Related Posts