Review sách – Chiến binh cầu vồng

Chiến_binh_cầu_vồng được viết dựa trên câu chuyện có thực của nhà văn #Andrea_Hirata. Sách nói về ước mơ đi học và cuộc đấu tranh bền bỉ của thầy trò trường Muhammadiyah, qua đó cũng vẽ nên được bức tranh về hố sâu ngăn cách giàu nghèo ở Indonesia (cụ thể là đảo Belitong).

Mở đầu quyển sách là khung cảnh Ngày đầu tiên đi học của trường Muhammadiyah. Nếu như các buổi tựu trường chúng ta hay nghĩ đến là niềm hân hoan, vui vẻ thì ở đây, mọi thứ nghèo nàn, xập xệ và nhuốm màu lo âu khắc khoải. Vì nếu hôm nay có ít hơn 10 học sinh mới thì ngôi trường sẽ bị đóng cửa.
“Cả tôi lẫn mấy đứa kia đều cảm thấy tim mình như vỡ ra: thật đau lòng khi phải đối mặt với người cha người mẹ nghèo khổ cơ cực, đau lòng khi phải chứng kiến những giấy phút cuối cùng của ngôi trường cũ kỹ trước khi nó bị đóng cửa vào chính cái ngày đầu tiên đi học của bọn tôi, và đau lòng quá đỗi khi biết rằng cái khao khát học hành mãnh liệt của bọn chúng tôi sẽ bị đập tan hông thương tiếc chỉ bởi thiếu một học sinh. Đầu đứa nào đứa nấy rũ cả xuống.”
Trong cái bầu không khí im phăng phắc hôm đó, sự xuất hiện của đứa trẻ thứ 10 – Harun đã làm mọi người phải đồng loạt vỗ tay hoan hô.

Những chương tiếp theo, tác giả lần lượt kể câu chuyện liên quan đến thầy giáo Harfan – người thầy dành cả 51 năm trên bục giảng, dạy cho các trò những bài học thú vị mà không nhận lấy một đồng lương nào (đúng ra là không có chính sách nào trả lương cho thầy cô trường Muhammadiyah và phụ huynh cũng không đủ điều kiện). Người thầy mà dành hết tâm huyết khơi gợi sự ham học hỏi và khiến các em học sinh bừng tỉnh với lời khuyên không bao giờ đầu hàng với khó khăn gian khổ.
Đồng hành cùng thầy Harfan và 10 em học sinh là cô Mus. Cô mới 16, là lần đầu tiên nhận lớp. Nhưng cũng như thầy Harfan, cô mang lòng nhiệt huyết của mình dành cho tất cả các em học sinh: cùng dạy, cùng chiến đấu. Ngay cả khi thầy Harfan đã qua đời.
Ikel – tác giả cũng kể về 9 cậu bạn trong lớp học của mình. Người thì thông minh sáng dạ, người thì giỏi thơ ca văn nghệ, người lại kém phát triển về trí tuệ… Nhưng, các bạn đều có một đặc điểm chung: nhà nghèo và ham học. Công cuộc học tập của các bạn không hề dễ chút nào, phải đấu tranh với chính quyền, đấu tranh với khó khăn về mặt tài chính, hay đôi khi, còn phải đấu tranh vì tinh thần ham học bị giảm đi “nhiều chút” vì chủ nghĩa thực dụng.
Bên cạnh gam màu trầm của những khó khăn, hiện thực đau lòng, nó vẫn còn tồn tại những màu tươi sáng, đầy ắp tiếng cười, sự nỗ lực và niềm tự hào. Đó là những trò chơi của nhóm Chiến binh ấy vào mùa mưa, buổi xem phim ma mà mấy thằng con trai chỉ biết núp vào nách nhau vì sợ, là giải nhất cuộc thi nghệ thuật, là chiếc cúp học sinh giỏi với điểm số suýt soát, là những rung động đầu đời mà chúng nhớ mãi về sau.
Mỗi chương là một câu chuyện đầy cảm xúc của tuổi trẻ, những xao xuyển thuở đầu đời, những khám phá về khả năng của từng đứa, rồi chúng ngưỡng mộ nhau, cùng ước mơ và cùng mang trong mình dòng máu Chiến binh.

Mn cùng đọc nhé!

Related Posts