Khi còn là một đứa trẻ, bạn đã từng “tấn công” bố mẹ mình bằng những câu hỏi “vì sao, tại sao” chưa? Chắc là nhiều rồi đúng không.
Và bạn có nhận ra rằng, càng lớn thì hình như con người ta lại càng ít hỏi “vì sao, tại sao” không? Là do chúng ta đã biết nhiều thứ hơn, vì chúng ta không có nhiều thời gian, hay là do chúng ta đã dần chấp nhận những sự thật hiển nhiên xung quanh mình, mà ít khi quan tâm “vì sao thế nhỉ?”. Chúng ta không quan tâm đến việc làm sao một chiếc tv được hình thành, chúng ta chỉ bật lên và xem thôi. Chúng ta không giải nghĩa đến tận cùng vì sao mình vui hay buồn, chúng ta chỉ cảm thấy những cảm xúc ấy, và thể hiện nó bằng cách này hay cách khác.
Giống như việc phân tích “root cause” (nguyên nhân gốc rễ) khi giải quyết vấn đề trong công việc, việc hiểu tường tận sâu xa một sự vật sự việc, hay giải nghĩa được cả những cảm xúc cá nhân, giúp mình rất nhiều trong việc phân tích, nhìn nhận, đánh giá vấn đề; và đôi khi là có cách làm mới nghĩ mới cho những vấn đề đã quá cũ.
Mình đặc biệt yêu thích “công thức” và mình tin rằng mọi thứ trên đời đều có công thức cả :)) Ví dụ như suy nghĩ là 1 kĩ năng cơ bản của con người, nhưng với nền giáo dục Việt Nam mà mình đã trải qua thì có rất ít nơi dạy chúng ta cách nghĩ hay phương pháp nghĩ. Trong khi đó, để giải đáp cho câu hỏi đơn giản “Vì sao thế nhỉ” lại có hẳn 1 phương pháp cho nó – First Principles Thinking – Tư duy nguyên bản.
Ok nghe thì hay đấy, vậy trong thực tế, chúng ta có thể áp dụng First Principles Thinking để làm gì?
Hiểu
Áp dụng Tư duy nguyên bản cho phép mình hiểu sâu xa gốc rễ của sự vật sự việc, giải nghĩa được những khúc mắc ẩn sâu, để từ đó hiểu cặn kẽ vấn đề hay thậm chí là chính bản thân mình.
Khi bạn áp dụng tư duy này để phân tích chính mình, rất có thể bạn sẽ tìm thấy căn nguyên sâu xa cho một nét tính cách hoặc cảm xúc nào đó của bản thân bắt nguồn từ một sự việc trong quá khứ, dẫn đến bạn của hiện tại. Bạn có thể dùng nó để hiểu chính bản thân mình hơn, hiểu vì sao mình lại có suy nghĩ hay cảm xúc như vậy, và biết đâu đó lại có thể tự chữa lành cho chính mình.
Đổi mới, sáng tạo
Một khi mình đã hiểu ngọn ngành từng yếu tố, từng thành tố của vấn đề – giống như đã tách được bộ lego ra thành từng mảnh ghép nhỏ thì mình hoàn toàn có thể sắp xếp lại để làm ra 1 ý tưởng hoặc sản phẩm hoàn toàn mới.
Hoặc lấy 1 ví dụ gần gũi với đa số mọi người hơn là mạng xã hội. Facebook tiếp cận người dùng dựa trên nguyên lý “network” – mạng lưới những mối quan hệ, những mối quan tâm của mỗi cá nhân. Và cách tiếp cận này kéo dài hơn chục năm kể từ khi Facebook ra đời, cho đến tận khi Tiktok phát triển, thì Tiktok lại định nghĩa lại khái niệm “mạng lưới”. Mạng xã hội giờ đây không nhất thiết là chỉ cập nhật từ bạn bè, từ những gì mình quan tâm. Mạng xã hội mà Tiktok tạo ra giúp bạn cập nhật nội dung từ bất kì ai, bất kì đâu – nó khiến cho vòng tròn nội dung bạn tiếp nhận đa dạng hơn rất nhiều, và tất nhiên là vẫn rất liên quan đến những gì bạn yêu thích.
Tối ưu, tích hợp
Vì đã bóc tách được bộ lego ra thành từng mảnh ghép nhỏ nên mình hoàn toàn có thể tối ưu từng mảnh ghép đó, rồi ráp lại để thử nghiệm xem kết quả cuối liệu có tốt hơn. Đồng thời, khi bạn đã hiểu rõ từng mảnh lego thì sẽ rất dễ dàng để bạn thêm những yếu tố mới vào bộ lego đó để tạo ra những mảng màu mới đặc sắc hơn.
Ví dụ gần đây đang sốt lên thông tin các ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người. Thì thật ra mình nghĩ là nếu chúng ta ko tự tối ưu/ upgrade, bất kì cái gì cũng có thể thay thế chúng ta, thay thế nghề mà chúng ta đang làm chứ đừng nói là trí tuệ nhân tạo :)) Laptop ra đời khiến cho máy đánh chữ đi vào dĩ vãng (xa hơn là nghề đánh máy). Lưu trữ đám mây (cloud storage) ra đời khiến cho nhu cầu sử dụng usb, ổ cứng ngày một ít đi. VETC đưa vào vận hành cũng khiến rất nhiều người mất việc, phải tìm cách đổi mới.
Vậy câu hỏi là làm thế nào để bản thân mình luôn phát triển, để luôn là mình dùng nó – chứ ko để nó dùng mình?
– Làm sao để mình xài tiền, chứ tiền ko xài mình
– Làm sao để mình xài Chat GPT, chứ công ty ko dùng ChatGPT để thay thế luôn công việc của mình =))
Thì với mình, Tư duy nguyên bản là một trong những cách hiệu quả để hiểu, phân tích và phát triển.
—
Vậy cuối cùng, làm sao để áp dụng First Principles Thinking?
Mình cũng đã nghiên cứu khá nhiều tài liệu để giải mã công thức, nhưng chung kết lại, công thức dễ nhất đối với mình lại chính là định nghĩa của phương pháp này (mà mình đã tự định nghĩa phía trên).
Tư duy nguyên bản (First Principles Thinking) là phương pháp nghĩ dựa trên căn nguyên, gốc rễ của vấn đề – giúp chúng ta bóc tách vấn đề thành các sự thật/ thành tố không thể nhỏ hơn, từ đó giúp ta hiểu rõ bản chất, áp dụng để giải quyết các vấn đề phức tạp cũng như đề xuất các giải pháp mới một cách độc lập.