Kiến thức và kỹ năng: Để làm pháp chế, bạn cần những gì? Những chia sẻ chân thực từ người trong cuộc
Nhóm chúng tôi có dịp được trao đổi và tìm hiểu thông tin từ bộ phận pháp chế. Theo sự chia sẻ từ chị Trinh – Trưởng nhóm pháp lý tại Ecomobi, trong lĩnh vực pháp chế, chuyên viên pháp chế cần trang bị một bộ kỹ năng đa dạng để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Chị Trinh cho biết, những kiến thức và kỹ năng mà chúng ta đều có thể tìm đọc từ các nguồn uy tín trên Internet như:
- Kiến thức pháp lý vững chắc: nắm vững các thuật ngữ pháp lý, các quy định trong lĩnh vực hoạt động của tổ chức, luật lao động, luật thương mại,…
- Kỹ năng nghiên cứu: Tìm kiếm, thu thập và phân tích thông tin pháp lý từ nhiều nguồn tin cậy.
- Kỹ năng phân tích: Phân tích các vấn đề pháp lý phức tạp để tiến hành nghiên cứu và đưa ra giải pháp hợp lý
- Kỹ năng giao tiếp: Giao tiếp bằng lời nói và viết rõ ràng để giải thích, tư vấn và thương lượng hiệu quả các vấn đề pháp lý.
- Kỹ năng giải quyết vấn đề: xác định vấn đề pháp lý và đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả và thành công
- Khả năng làm việc nhóm và làm việc độc lập: Làm việc hiệu quả cả trong môi trường nhóm và độc lập, phối hợp tốt với các bộ phận khác.
- Kỹ năng cập nhật thông tin kịp thời: Cập nhật các quy định pháp luật mới và áp dụng chúng vào thực tế.
Theo sự đúc kết của chị Trinh, các kỹ năng trụ cột cho người đã có nền tảng cơ bản bao gồm:
- Kỹ năng tư duy pháp lý và tư duy phản biện sắc bén
- Sự cẩn trọng trong công việc
- Kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm hiệu quả
- Khả năng đàm phán và thuyết trình
Những kỹ năng này không tự động phát triển theo sự vận động và phát triển của xã hội. Nếu chúng ta không ngừng nâng cấp nó, nó sẽ ngày càng bị mai một.
Để trau dồi các kỹ năng trên, mỗi cá nhân trong ngành cần có một phương pháp học tập và thực hành rõ ràng. Đọc sách chuyên ngành, nghiên cứu các tài liệu pháp lý, tham gia các khóa học đào tạo và thực hành là những cách hiệu quả để nâng cao năng lực.
Cuốn sách quốc dân mà chị Trinh muốn giới thiệu cho những ai mới vào nghề và đang theo nghề đó là “Kỹ năng viết cho người hành nghề luật”. Cuốn sách này “không chỉ giúp chuẩn bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp trong tương lai, sách còn giúp bạn đọc hình dung được về hệ thống cá nghề luật để từ đó có thể đưa ra cho bản thân sự lựa chọn phù hợp. Nếu có kế hoạch du học ở các nước nói tiếng Anh, việc làm quen với viết văn bản tiếng Anh thông qua cuốn sách sẽ là một sự chuẩn bị vô cùng hữu ích.” (Nguồn: https://sachluatvn.vn/)
Mọi người có thể tham khảo thêm tại đây nhé: https://sachluatvn.vn/ky-nang-viet-cho-nguoi-hanh-nghe-luat/?srsltid=AfmBOor1cIDtkxk0hAUXO1U1Km1b3Ys_DPe0175ijQQbWGbQPZgVUPou
Ngoài ra, để có thêm nhiều kiến thức bổ ích và kinh nghiệm quý giá khác cho người làm nghề, đọc giả còn có thể tìm đọc sách từ các chuyên gia trong ngành như thầy Đỗ Văn Đại và thầy Trương Thế Ngữ.
Chị Trinh chia sẻ rằng, đọc sách phải đi đôi với thực hành. Thực hành để áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế công việc và rút ra kinh nghiệm để xử lý các tình huống sau thành công hơn.
Khi hỏi về nhiệm khó khăn nhất mà chị từng xử lý, do tính chất bảo mật, nên chị không thể chia sẻ cụ thể tình huống đã diễn ra, chị chỉ tâm sự rằng: “Nhiệm vụ nào cũng khó khăn hết em ơi”. Trong suốt quá trình làm việc tại Ecomobi, một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất mà chị Trinh từng xử lý là các vấn đề phát sinh tại thị trường nước ngoài. Các tình huống này thường đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về các nguyên tắc pháp lý và ý chí của nhà lập pháp ở từng quốc gia khác nhau.
Từ những khó khăn này, bài học quan trọng nhất mà chị rút ra là cần nắm vững nguyên tắc xây dựng luật và phải hiểu rõ bối cảnh pháp lý của từng quốc gia để có thể đưa ra các giải pháp chính xác và hiệu quả.
Cũng như mọi nghề, nghề pháp chế cũng có những rủi ro không thể tránh khỏi. Một số rủi ro phổ biến bao gồm việc hiểu sai ý người yêu cầu, tư vấn thiếu thông tin pháp lý cho các vấn đề cụ thể, vận dụng pháp lý sai cách, hoặc không hiểu đúng tư duy pháp lý của nhà lập pháp. Để hạn chế những rủi ro này, việc liên tục học hỏi và cập nhật thông tin là rất quan trọng (chị Trinh chia sẻ).
Trong quá trình trò chuyện với chị, nhóm cũng phát hiện ra một điều thú vị ở chị đó là phương pháp giải tỏa căng thẳng do công việc. Để giảm bớt căng thẳng trong quá trình làm việc, chị Trinh thường tìm sự động viên và thư giãn từ việc đọc sách chuyên môn. Đọc sách không chỉ giúp chị cập nhật kiến thức mà còn cung cấp những góc nhìn mới, từ đó tạo thêm động lực để tiếp tục công việc một cách hứng thú và hiệu quả.
Một câu hỏi để kết thúc cuộc trò chuyện: Chị hãy liệt kê 3 từ khóa làm kim chỉ nam đối với chị khi theo đuổi nghề này? Chị cho biết: đam mê, chịu khó và không ngừng học hỏi. “Đam mê giúp tôi luôn giữ vững tinh thần và động lực trong công việc, chịu khó giúp tôi vượt qua những thử thách, và việc không ngừng học hỏi giúp tôi cập nhật kiến thức và nâng cao kỹ năng để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.”
Nhóm tác giả xin chân thành cảm ơn những chia sẻ từ chị Trinh và team Legal, những chia sẻ chân thực này không chỉ giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về tính chất công việc của Bộ phận Pháp chế, mà còn gợi mở cho những nghiên cứu của nhóm về thách thức mà Pháp chế doanh nghiệp gặp phải khi hoạt động tại thị trường nước ngoài.
Qua bài viết này chúng ta hiểu được rằng để hoàn thành nhiệm vụ, Bộ phận pháp chế, hay cụ thể hơn là các nhân viên pháp chế cần trang bị bộ kiến thức, kỹ năng riêng. Vậy những kiến thức, kỹ năng đó đã được vận dụng như thế nào trong Quy trình phối hợp của Bộ phận pháp chế tại Ecomobi? Để hiểu rõ hơn về quy trình đó, mời bạn đọc theo dõi phần 3 của chuyên mục Bộ phận pháp chế – Trái tim pháp lý của doanh nghiệp thực hiện bởi LOL team nhé!