Điều gì quan trọng với mỗi chúng ta?
Trí thông minh?
Trí tuệ cảm xúc?
Đúng…! Nhưng còn một thứ khác con quan trọng hơn: Chỉ số vượt khó – chỉ số AQ.
Vì suy cho cùng, dù thông minh vượt bậc hay có thấu cảm tốt, chúng ta đều phải học cách vượt qua nghịch cảnh và đi qua khó khăn nếu muốn phát triển.
Chỉ số AQ là gì?
Paul Sloltz cho rằng, những người có AQ thấp thường dễ xúc động và dễ buông xuôi trước nhiều vấn đề trong cuộc sống. Trong khi, những người có AQ cao sẽ ít khi đầu hàng và dễ dàng trở thành lãnh đạo trong tương lai.
Năm 1997, nhà tâm lý học người Mỹ Paul Stoltz lần đầu tiên đưa ra 1 khái niệm mới: AQ (Adversity Quotient) trong cuốn sách “Adversity Quotient: Turning Obstacles into Opportunities” (AQ: Xoay chuyển trở ngại thành cơ hội). Trong đó, ông định nghĩa, AQ là đại lượng đo khả năng đối diện và xoay sở của một người trước các thay đổi, áp lực và các tình huống khó khăn.
Bạn đang thuộc dạng chỉ số AQ nào sau đây?
Việc phân loại và đánh giá AQ – chỉ số vượt khó cao hay thấp sẽ dựa trên hành vi và thái độ của cá nhân khi gặp khó khăn. Paul Stoltz phân định ra 3 dạng người cụ thể, đó là: Quitter, Camper và Climber.
1. Quitter: Là những người dễ buông xuôi. Họ dễ dàng nản chí, từ bỏ việc theo đuổi 1 công việc, 1 dự định và cao hơn là 1 mục đích sống. Và, kết quả là thường giữa đường đứt gánh, và nhận thất bại, hoặc kết quả không như ý.
2. Camper: Là những người chịu khó, làm việc chăm chỉ, có ý thức phấn đấu rèn luyện bản thân, và sẽ làm nhiều thứ để đạt tới 1 mức độ nhất định nào đó trong cuộc sống. Tuy nhiên, họ dễ hài lòng và thoả hiệp với bản thân để thấy như vậy là đủ.
3. Climber: Là những người có sự kiên định và hoài bão lớn. Họ thích thú với thách thức và xem đó như cơ hội phát triển. Họ luôn học hỏi, rèn luyện bản thân, nỗ lực cố gắng để đạt tới những mức độ tốt nhất có thể trong khả năng. Họ cũng thường là tuýp người không chấp nhận 1 tình thế sẵn có, và tìm cách xoay sở để cải thiện nó tốt hơn.
Theo đó, ông coi chỉ số đo khả năng vượt qua những điều kiện khó khăn là yếu tố lớn nhất trong những phẩm chất tạo nên sự thành công cho con người.
Theo Paul Sloltz, chỉ số AQ có thể đo mức độ hoài bão, nỗ lực, sự sáng tạo, năng lượng, sức khoẻ lý tính, xúc cảm và hạnh phúc của một người. Nó cũng chính là một chỉ báo về 4 mức độ cao thấp của bản lĩnh sống:
1. Đối diện khó khăn
2. Xoay chuyển cục diện
3. Vượt lên nghịch cảnh
4. Tìm được lối ra
Theo quan niệm của nhiều người, IQ và EQ là những khái niệm “fix”, có nghĩa là phần nhiều thuộc về “thiên phú”, khó có khả năng thay đổi. Trong khi đó, AQ là đại lượng có thể được rèn luyện để “cải thiện, nâng cấp”.
Cách để cải thiện chỉ số vượt khó AQ hiệu quả
Không khó như IQ, AQ hoàn toàn có thể được cải thiện nhanh nhờ vào sự rèn luyện mỗi ngày. Dưới đây là những cách đơn giản để cải thiện chỉ số AQ .
- Dành thời gian để phân tích tình huống
Sự hoảng loạn do những khó khăn bất ngờ có thể khiến bạn phản ứng một cách hấp tấp và phi lý. Do đó, thay vì phản ứng ngay lập tức, hãy dành thời gian để tìm hiểu nguyên phân cốt lõi của vấn đề và tìm giải pháp tối ưu nhất.
- Đừng sợ phạm sai lầm
Khi đối mặt với những thay đổi hay khó khăn, cố gắng đừng để nỗi sợ lấn át bạn. Hãy thay đổi nhận thức rằng việc phạm sai lầm là một hình thức tiếp cận vấn đề toàn diện hơn và là cơ hội để bạn rút kinh nghiệm, nhận ra những bài học đáng giá cho bản thân.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác
Đừng cô lập bản thân và đấu tranh trong im lặng khi khủng hoảng xuất hiện. Bạn có thể chia sẻ với những người đáng tin cậy và xin lời khuyên từ họ để có những góc nhìn mới về vấn đề và giải pháp đối mặt với nghịch cảnh của bản thân. Quá trình này sẽ giúp cải thiện khả năng tự nhận thức và phá vỡ các kiểu phản ứng thụ động trước vấn đề.
- Có niềm tin
Tin rằng mọi khó khăn xảy ra với bạn đều có lý do là cách giúp bạn đối diện với vấn đề nhẹ nhàng hơn về mặt tinh thần và cảm xúc. Khi thiếu niềm tin sẽ phát sinh cảm giác lo lắng và căng thẳng, điều này có thể làm suy giảm khả năng phán đoán và phản ứng đúng đắn với vấn đề. Củng cố niềm tin là giải pháp giảm thiểu áp lực buộc bạn phải thực hiện các giải pháp phù hợp.
- Không đóng vai nạn nhân
Khi có khó khăn, đa số đều chọn đóng vai nạn nhân để giảm thiểu mức độ đau khổ hay tránh né vấn đề. Tuy nhiên, đây không phải là nhận thức phù hợp. Lựa chọn là nạn nhân hay chịu trách nhiệm để thoát ra khỏi nghịch cảnh sẽ quyết định hành động của bạn. Khi thay đổi nhận thức, trở thành người chủ động dũng cảm đối mặt và giải quyết vấn đề sẽ giúp bạn vượt qua mọi thử thách và khó khăn.
- Tích luỹ kiến thức, kỹ năng phù hợp
Phát triển kiến thức, kỹ năng chính là những điều đơn giản nhất bạn nên chú ý trong việc cải thiện chỉ số AQ. Nếu không có kiến thức và kỹ năng, bạn sẽ chẳng vượt qua được chuyện gì cả.
- Tự tin, học cách xây dựng tư duy tích cực
Sự tự tin, suy nghĩ tích cực giúp ích rất nhiều cho bạn trong việc nâng cao AQ. Trong khi tự tin giúp bạn đối mặt với thách thức một cách hiệu quả thì tư duy tích cực sẽ giúp bạn lạc quan hơn. 2 yếu tố này rất quan trọng trong việc giúp bạn vượt qua mọi sự mình gặp theo cách tốt nhất có thể đấy.
Trong cả cuộc sống và công việc, AQ được cho là chỉ số quan trọng nhất cần có vì không ai biết những thách thức hay thay đổi sẽ xảy ra vào lúc nào. Do đó, sở hữu chỉ số AQ cao là hành trang để vượt qua và phục hồi sau những cơn bão. Vì cuối cùng, người thành công không phải là người không thất bại mà là người không bỏ cuộc.