Điện ảnh không chỉ là những câu chuyện được kể trên màn ảnh, mà còn là công cụ mạnh mẽ để tái hiện xã hội, phản ánh tư tưởng và quan điểm của nhà làm phim về thế giới, và thậm chí thể hiện lý tưởng của họ về các vấn đề xã hội cụ thể. Ngôn ngữ truyền thông lúc này là công cụ không thể thiếu giúp tác giả truyền tải thông điệp tới khán giả một cách dễ dàng và hiệu quả.
Bộ phim “Vợ Ba” của đạo diễn Nguyễn Phương Anh đã xuất sắc tái hiện hình ảnh và số phận của người phụ nữ thế kỷ 19, từ đó khơi gợi sự đồng cảm sâu sắc từ khán giả đối với người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Bộ phim không chỉ kể kể một câu chuyện mà còn mở ra cuộc đối thoại về vị trí và vai trò của người phụ nữ từ xã hội phong kiến đến xã hội hiện đại.
Sơ lược:
Điện ảnh là một khái niệm lớn bao gồm các bộ phim được tạo bởi những khung hình chuyển động; kỹ thuật ghi lại hình ảnh, âm thanh và ánh sáng; ngôn ngữ nói, ngôn ngữ hình thể và các hình thức nghệ thuật khác cùng kết hợp với nhau. Điện ảnh là một hình thức giải trí không thể thiếu trong đời sống thường nhật, thậm chí còn phát triển thành những hiện tượng văn hóa hoặc được sử dụng như các phương tiện tuyên truyền.
Phim điện ảnh, với thời lượng từ 90 đến 180 phút, mang đến những cốt truyện phong phú, từ các đề tài gần gũi như tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình đến những chủ đề tưởng tượng, kì ảo như khoa học viễn tưởng hay kinh dị. Mỗi thể loại đều có sức hút riêng và thu hút sự quan tâm của công chúng ở mọi lứa tuổi.
Sự phát triển của xã hội kéo theo nhu cầu được thỏa mãn về mặt tinh thần của mọi người ngày càng cao. Nền công nghiệp điện ảnh tiên tiến đã áp dụng các kỹ xảo máy tính và trí tuệ nhân tạo một cách triệt để trong sản xuất và trình chiếu, mang lại trải nghiệm mới mẻ cho khán giả, biến điện ảnh thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong xã hội.
Vai trò của điện ảnh trong truyền thông:
Bất cứ một nhà làm phim nào cũng mong muốn vừa xây dựng được những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao vừa lan tỏa được sức ảnh hưởng tới công chúng.
Với lợi thế dễ quảng bá, dễ tiếp cận, và có tác động rất lớn đối với công chúng, điện ảnh là một công cụ đắc lực trong truyền thông. Là công cụ truyền thông có tầm ảnh hưởng lớn, điện ảnh luôn có một chỗ đứng vững chắc, đóng vai trò truyền tải những thông điệp mang giá trị văn hóa, kinh tế, chính trị, góp phần truyền tải lý tưởng, định hướng dư luận một cách hiệu quả. Việc một bộ phim điện ảnh có thể tạo nên sự thống trị và sức ảnh hưởng khủng khiếp hay không phụ thuộc rất nhiều vào đề tài, cách thể hiện và truyền tải thông điệp của bộ phim.
Ngôn ngữ truyền thông sử dụng trong phim điện ảnh:
Ngôn ngữ trong phim điện ảnh không chỉ bao gồm câu từ, lời thoại mà còn là sự kết hợp của hình ảnh phim (hình ảnh, màu sắc, chi tiết/sự vật mang tính biểu tượng, tiêu biểu,…), ngữ điệu nói, ngôn ngữ cơ thể của diễn viên cùng với âm thanh (âm nhạc và tiếng động) được sử dụng trong mỗi cảnh quay.
Bộ phim “Vợ Ba” là một tác phẩm được đạo diễn sử dụng các loại hình ngôn ngữ khác nhau một cách uyển chuyển, kết hợp với nhau đầy gợi cảm. Bộ phim tái hiện bối cảnh xã hội Việt Nam xưa, cũng như những áp lực và định kiến xã hội đã ảnh hưởng lên mỗi người, đặc biệt là người phụ nữ cuối thế kỷ 19.
Khái quát:
“Vợ ba” là một bộ phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair) – kịch bản được dựa một phần trên câu chuyện có thật của gia đình cô. “Tôi lớn lên ở Việt Nam, một xã hội mà truyền thống, lịch sử và cộng đồng được đề cao hơn sự độc lập cá nhân. Phim này là câu chuyện đen tối về sự trưởng thành, tình yêu và khám phá bản thân trong thời đại phụ nữ ít khi được cất tiếng. Chủ đề tình dục, chuyển biến của nữ giới khi lớn lên, cũng như cuộc đấu tranh của họ trong xã hội truyền thống trọng nam luôn khiến tôi thích thú” – cô chia sẻ.
Bộ phim được thể hiện táo bạo, có những khắc họa rõ nét và chân thật về số phận của những người phụ nữ – bị chèn ép và bủa vây trong những định kiến khắc nghiệt của xã hội nam quyền phong kiến xưa. Phim như thay thế cho tiếng lòng của phụ nữ, khắc họa chân thực những nỗi đau, mất mát và tư tưởng đấu tranh của họ.
Lấy bối cảnh của thế kỷ 19, câu chuyện kể về cuộc đời của Mây (Nguyễn Phương Trà My) – một cô bé mới 13 tuổi – sau khi trở thành vợ ba cho ông Hùng (Lê Vũ Long) – một phú hộ giàu có. Kể từ đó, Mây bắt đầu khép mình vào kiếp một người vợ lẽ, phải học hỏi và tuân theo những quy tắc, lễ giáo nghiêm ngặt của gia đình chồng để có thể thực hiện nghĩa vụ duy nhất – sinh con trai.
Bộ phim đã gây được tiếng vang ở nhiều liên hoan phim thế giới trong năm 2018. “Vợ ba” đã từng thắng giải NETPAC ở LHP Toronto (Canada), giải TVE-Another Look tại LHP San Sebastian (Tây Ban Nha) và “Phim xuất sắc” trong hạng mục tác phẩm quốc tế ở LHP Kolkata International (Ấn Độ). Phim cũng nhận được 100% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes – một trang web chuyên đánh giá, phê bình, cập nhật các thông tin, tin tức của các bộ phim. Hiện tác phẩm vẫn đang được phát hành ở 28 thị trường (ngoài Việt Nam), trong đó có Mỹ, Nhật, Anh, Hàn Quốc, Australia, Tây Ban Nha.
Ngôn ngữ nói và Ngữ điệu
Là một quốc gia có văn hóa giao tiếp giàu ngữ cảnh (high context culture), các đặc điểm của văn hóa này được đạo diễn lột tả rõ nét qua cách giao tiếp bằng lời nói và ngữ điệu của các nhân vật trong “Vợ Ba”. Khác với các quốc gia có văn hóa giao tiếp nghèo ngữ cảnh (low context culture), người Việt thường dành nhiều thời gian để xây dựng mối quan hệ và lấy thông tin từ bối cảnh chung xung quanh, hơn là dựa vào từ ngữ rõ ràng và trực tiếp. Người Việt cũng có sự nhạy cảm nhất định đối với ngôn từ và ngữ điệu, họ có thể cảm nhận được cảm xúc và tình cảm ẩn sau lời nói của đối phương. Do đó, lời thoại các nhân vật trong “Vợ ba” đều không dài, tuy nhiên lại mang nhiều hàm ý sâu sắc.
Ngữ điệu của các nhân vật cũng được thể hiện sao cho phù hợp với tinh thần chung của bộ phim, các diễn viên hầu như không thoại quá nhiều, còn khi nói họ đều nói với giọng chậm, trầm ổn, nhỏ nhẹ (nữ), thậm chí có một vài phân cảnh họ còn nói với giọng thì thào, nhịp thở và bật âm có phần ngắt quãng.
Các câu thoại trong phim đều sử dụng các từ ngữ đơn giản và gần gũi, nhân vật hầu hết nói câu đơn và câu đặc biệt. Rất ít câu ghép xuất hiện trong suốt bộ phim. Câu thoại ít và rất ngắn nhưng lại hàm chứa sức nặng tư tưởng của bộ phim: sự tù túng, cảm giác ngột ngạt và đầy hụt hẫng. Kết hợp với ngữ điệu của các nhân vật trong phim, tiết tấu càng trở nên chậm rãi, không khí toàn bộ phim càng ảm đạm hơn. Hẳn là các khán giả xem phim sẽ cảm thấy rất bứt rứt mỗi khi chờ đợi một lời thoại, hay bức bối mỗi khi có một nhân vật nào đó cất tiếng nói. Các nhân vật thoại ít, giao tiếp với nhau kiệm lời, dè chừng sợ hãi nói động vào điều cấm kỵ, làm cho bức bối càng chồng lên bức bối. Đây có lẽ chính là chủ đích của các nhà làm phim muốn mang đến cho người xem, khiến họ trở nên tâm trạng, đồng cảm hơn đối với các nhân vật chính trong phim, đặc biệt là những người phụ nữ.
Ẩn ý về giá trị của người phụ nữ thời bấy giờ được lột tả một cách tinh tế qua những câu thoại của các nhân vật. Ví dụ, ở những phân đoạn đầu của bộ phim, câu đầu tiên nhân vật Mây bộc bạch sau khi về nhà chồng là: “Tôi muốn có con trai.” Chỉ 5 từ ngắn ngủi mà đủ để bóc trần bao nhiêu “sự thật”. Chưa kịp dậy thì, chưa biết thế nào là tình yêu nam nữ, tình dục, tình nghĩa vợ chồng, nhưng Mây lại hiểu rằng mình chỉ có giá trị khi đẻ được con trai. Xã hội bấy giờ đã “dạy” cho cô bé 13 tuổi hiểu một điều rằng: phụ nữ là công cụ sinh con nối dõi cho nhà chồng, không sinh được con thì người phụ nữ không có giá trị.
Câu nói khởi đầu này cũng ẩn dụ cho cuộc đời sau này của Mây từ nay chính thức bắt đầu, như khởi đầu của bao người phụ nữ khác trong xã hội lúc ấy. Thêm vào đó, câu đáp “Mợ Xuân vẫn chưa phải là bà chủ chính thức đâu. Vì mợ ấy đã sinh cho ông chủ cậu con trai nào đâu” của bà Lao (NSND Như Quỳnh) ngay lập tức củng cố thêm cho hiện thực này. Đã là đàn bà, dù xuất thân giàu hay nghèo, dù có học hay ít học, dù xinh đẹp hay không, thứ quyết định giá trị của họ trong xã hội là biết đẻ, hay rõ hơn, là đẻ con trai.
Có nhiều câu thoại khác bộ phim cũng nhằm làm rõ ý tứ này. Ví dụ như ở phân đoạn tiếp theo, khi Liên (con gái cả của mợ Hai) bắt đầu có kinh nguyệt, điều đầu tiên cô nói với mẹ mình là:”Mẹ, cuối cùng cũng có rồi”. Cũng như Mây, giọt máu kinh nguyệt đầu tiên đã chứng minh đã đến lúc Liên đã làm được đàn bà . “Lấy chồng từ thuở mười ba, đến năm mười tám đã là năm con.”
Bên cạnh việc lột tả hiện thực và áp lực, có những nhân vật và câu thoại cũng được xây dựng để thể hiện ý chí đấu tranh và sự phản kháng của những người phụ nữ trong phim. Nhân vật thể hiện chủ chốt cho tư tưởng này là cô bé Nhàn (Mai Cát Vi) – cô con gái thứ hai của người vợ hai (mợ Xuân) – một cô bé có cá tính mạnh mẽ và có phần bướng bỉnh, không cam chịu. Dù còn nhỏ, nhưng Nhàn đã nhận ra được sự bất công của xã hội đối với người phụ nữ. “Chị Liên, sau này lớn lên em sẽ làm đàn ông. Em sẽ làm đàn ông và sẽ lấy thật nhiều vợ”. Là một cô bé nhỏ tuổi, Nhàn dù chưa thể nghĩ xa hơn như làm gì để thay đổi định kiến xã hội và đứng lên giành lại tiếng nói cho phái nữ, nhưng cũng đã nhen nhóm những ý định phản kháng, không cam chịu số phận, muốn giải thoát cho phận làm nữ nhi của bản thân mình là trở thành một người đàn ông.
Cụ Bá (Nguyễn Hồng Chương) là đại diện cho người chủ gia đình, thân sinh ra ông Hùng – chủ gia đình hiện tại. Mặc dù chỉ xuất hiện trong một vài phân cảnh ngắn, nhưng ông lại là nhân vật đóng vai trò khiến cho người xem phải gật gù suy ngẫm trước những tình tiết trong phim. “Con đừng lo lắng, con bé đó đâu phải Võ Tắc Thiên. Dù gì chúng ta cũng chỉ là cát bụi dưới bóng Phật thôi con ạ.” Là bậc trưởng bối, một người từng trải, ông cũng đã chứng kiến tất cả những chuyện mà các con ông đang gặp phải, như một vòng tròn luẩn quẩn từ thế hệ này sang thế hệ khác, không cách nào thoát ra. Đến tuổi gần đất xa trời như vậy, một người đàn ông dày dạn kinh nghiệm sống như cụ Bá cũng chỉ có thể tặc lưỡi buông xuôi mặc cho lễ giáo phong kiến bào mòn cuộc đời ông, cuộc đời con ông, rồi sẽ đến các cháu ông. Bản thân một người đàn ông như cụ Bá cũng cảm thấy nặng nề lễ giáo quá để làm gì, bởi con người dù khi còn sống có là đàn ông hay đàn bà, thì khi chết đi cũng sẽ đều trở về là cát bụi như nhau mà thôi.
Người con trai duy nhất của mợ Hà (vợ cả) – Sơn (Nguyễn Thanh Tâm), cũng là trưởng nam của gia đình phú hộ. Cuộc sống của Sơn là cuộc sống bao người mơ ước nhưng đằng sau ánh hào quang hoàn hảo ấy lại ẩn chứa góc khuất không thể ngờ tới. Sơn chính là đại diện cho những nạn nhân của nam tính độc hại. Nắm trong tay trách nhiệm và danh dự của gia đình là phải sinh được con trai, bản thân Sơn cũng nhiều tổn thương và đau khổ không kém gì những người phụ nữ trong gia đình. Đứng trước trách nhiệm làm người chủ gia đình tương lai, Sơn chỉ biết khóc cầu xin mẹ: ”Mẹ ơi, con không thể cưới người mà con không quen biết”. Trước phản ứng của con trai, mợ Hà cũng chỉ coi đây là phản ứng bình thường của những người trẻ chưa hiểu cũng chưa chấp nhận được chuyện đời, bà ôm con an ủi: “Trước đây mẹ cũng có quen bố con đâu, lần đầu tiên gặp nhau cùng là ngày cưới.” Vậy là đã quá rõ rồi, cha mẹ đặt đâu thì con phải ngồi đấy. Tình yêu trong hôn nhân chỉ là câu chuyện cổ tích, còn môn đăng hộ đối mới là sự thực. Trong xã hội phong kiến nam quyền độc hại, không chỉ phụ nữ mới là nạn nhân mà kể cả đàn ông cũng không thể thoát khỏi sự kìm kẹp.
Sơn thậm chí phải đem cái chết ra để cố gắng ngăn cuộc hôn nhân sắp đặt
Bị ép cưới một cô gái mà mình không yêu, Sơn không thể chấp nhận sự thật, vào đêm tân hôn, Sơn uống say khướt, nhìn thấy Tuyết, anh phẫn nộ đuổi Tuyết ra khỏi phòng. Tuyết chỉ có thể chịu tủi nhục, nuốt nước mắt vào trong khi nghe Sơn cầu xin mợ Hà: “Con xin mẹ, mẹ thương con thì mẹ làm ơn giúp con với”. Có lẽ hết cách với Sơn, cha mẹ Sơn đành phải mời cha mẹ Tuyết tới thương lượng để đón Tuyết về, bởi Tuyết vẫn còn “nguyên vẹn”, nên gia đình bên kia vẫn có thể gả Tuyết đi cho người khác. Vậy nhưng mọi chuyện nào có đơn giản đến thế.
Khi biết được sự việc, cha của Tuyết lại nói với cha của Sơn rằng: ”Tôi hiểu đây không phải là điều bình thường, tuy nhiên, tôi xin lỗi nhưng tôi không thể nhận con bé về được. Con gái tôi đã ràng buộc với con trai ông cả về tâm linh lẫn máu mủ. Ông không thể phá hủy điều này.” Nghe đến đây, Tuyết sửng sốt, bàng hoàng. “Con đã làm gì khiến cả gia đình phải lâm vào cảnh này, có mỗi một trách nhiệm đó mà con cũng không làm được sao?”, không thể khiến cho chồng yêu thích và quan tâm đến mình có nghĩa là không làm tròn bổn phận của người vợ, mọi trách nhiệm giờ đây đều bị đổ lên đầu Tuyết. “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu”. Ấy thế nhưng Tuyết giờ biết phải “tòng” ai đây, khi mà ngay cả cha ruột lẫn người chồng trên danh nghĩa đều không chịu chứa chấp cô? Tuyết tuyệt vọng và bị đẩy đến bước đường cùng. Tuyết tự sát. Khi mới chỉ 13 tuổi. Vào ngày thứ hai sau ngày cưới.
Tuyết treo cổ ở con suối gần nhà
Từ khi xuất hiện cho đến khi tự sát, nhân vật Tuyết chỉ có đúng một lời thoại ngắn ngủn: “Thưa mình” với Sơn vào đêm tân hôn. Kể từ đó, bao phủ lên cô là sự im lặng đến rợn ngợp. Có lẽ, đây cũng là lời thoại ám ảnh nhất trong “Vợ ba”. Tuyết chính là hiện thân của tất cả những người phụ nữ sống trong xã hội lúc bấy giờ, đối những điều bất công với mình, họ chỉ có thể im lặng cúi đầu cam chịu trước số phận, sống như một con rối gỗ không có linh hồn – bị điều khiển bởi bàn tay người khác cho đến khi kết thúc cuộc đời.
Vậy nguyên nhân dẫn đến cái chết oan uổng của Tuyết là do đâu? Do cuộc hôn nhân ép buộc, do Sơn, do chính cha của Tuyết, hay do lễ giáo phong kiến cùng những định kiến xã hội hà khắc, đã đẩy người con gái tội nghiệp đến cái kết đau lòng? Chúng ta biết trách ai? Khi mà gia đình Tuyết không thể đối mặt với những lời dèm pha dị nghị bởi gia đình mình có đứa con gái bị chồng ruồng bỏ, khi mà Sơn chỉ có thể tuyệt vọng cầu xin bố mẹ mình “hãy cứu con với”, khi mà tất cả những người đang sống trong xã hội thời bấy giờ đều không thể làm bất kì điều gì được cho là “trái đạo đức”, “trái tạo hóa”?
Đạo diễn Phương Anh cũng đã rất tinh tế và khéo léo khi xây dựng từng nhân vật trong bộ phim. Trong xã hội khắt khe nhường ấy, dù là đàn ông hay đàn bà, ai cũng trở thành nạn nhân.
Ngôn ngữ cơ thể
Do ảnh hưởng của những nét đặc trưng của một nền văn hóa “giàu ngữ cảnh” (high context culture), ngôn ngữ cơ thể của các nhân vật trong phim “Vợ Ba” không phô trương, thẳng thắn mà được biểu lộ một cách rất ý nhị, kín đáo. Ngôn ngữ cơ thể của các nhân vật cũng tái hiện các lễ nghi trong giao tiếp của xã hội thời bấy giờ, cho thấy rõ vai vế, quyền lực của mỗi nhân vật trong xã hội.
Phim không có nhiều lời thoại, các diễn viên phải tập trung thể hiện tính cách nhân vật và kể câu chuyện nhân vật của mình thông qua diễn xuất. Ở những phân cảnh diễn không có lời thoại, nỗi lòng của nhân vật được thể hiện qua ánh mắt, qua cái nghiêng đầu, cái mím môi, cái cúi mình, vân vân.
Đối với các nhân vật nữ, khi giao tiếp với người cùng vai vế hoặc vai vế thấp hơn, hai tay đều để yên một chỗ song song với nhau hoặc buông thõng hai bên. Khi giao tiếp với những người có vai vế lớn hơn mình, những người phụ nữ khi nói người và đầu sẽ hơi cúi nhẹ, hai tay chụm vào nhau để trước bụng, thưa điều gì không được phép nhìn thẳng vào mắt người đối diện.
Còn đối với nam giới, khi giao tiếp với những người có vai vế lớn hơn thì tay cũng để hờ hai tay trước bụng, nhưng lưng và đầu không được cúi. Khi giao tiếp với người có vai vế thấp hơn – mà ở đây là tất cả những người phụ nữ khác và người hầu, thì họ chắp hai tay ở đằng sau lưng, ngực hơi ưỡn. Điều này được nhìn thấy rõ nhất ở nhân vật ông Hùng – là chủ gia đình, cũng là người có vai vế lớn nhất.
Như vậy, khán giả hoàn toàn có thể thấy được sự nhún nhường, khép nép của phái nữ trái ngược với sự điềm nhiên, hiên ngang của phái nam trong “Vợ Ba”, cũng cảm nhận rõ được sự chênh lệch bình đẳng giữa nam và nữ dưới chế độ phong kiến.
Hình ảnh
Thị giác là giác quan chiếm ưu thế nhất trong việc định hình nhận thức và tư duy trong não người. Các nhà khoa học thần kinh và các nhà nghiên cứu đã ước tính rằng khoảng 80% thông tin được não xử lý là thu nhận thông qua thị giác. Do đó, một phần lớn của não người được dành riêng cho việc xử lý thông tin hình ảnh, trong khi việc xử lý các kích thích từ các giác quan khác diễn ra ở các vùng não nhỏ hơn tương đối.
Điều này cho thấy rằng việc truyền đạt thông tin của một bộ phim điện ảnh phụ thuộc đến 80% vào mặt hình ảnh. Đây cũng là phần mà đạo diễn đã đầu tư rất nhiều tâm huyết vào “Vợ ba”, mang lại hiệu ứng mỹ mãn cho bộ phim và thu hút sự quan tâm của công chúng và báo chí.
“Vợ Ba” là một bộ phim được lấy bối cảnh ở vùng núi trung du Bắc Bộ, có núi, có non rất nên thơ và hữu tình. Đồng thời, những góc máy đầy đủ cận cảnh, trung cảnh và toàn cảnh mang đầy tính nghệ thuật đã đem đến cho người xem những khung hình ngăn nắp, nghiêm cẩn như những bức họa phương Tây. Bên cạnh cảnh sắc thiên nhiên đầy chất thơ, những hình ảnh quen thuộc gắn bó với làng quê Việt Nam như: con gà, con trâu, cây tre, cây đa…cũng xuất hiện rất nhiều trong bộ phim khiến cho người xem như được thực sự hòa mình vào với không gian và thời gian của thế kỷ 19.
Hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ trong một cảnh quay của “Vợ Ba”
Về tổng thể, nước phim của “Vợ Ba” khá trầm và hơi ngả vàng, đem đến một cảm giác hoài cổ đúng thời, tuy nhiên lại nhẹ nhàng thoáng mắt, chứ không bị khó nhìn và quá nặng nề như các thước phim cổ không có sự đa dạng về màu sắc (chỉ vàng – trắng, nâu – trắng, đen – trắng). Phông nền của bộ phim cũng như trang phục của diễn viên cũng có những sự hài hòa nhất định. Bởi được bấm máy ở vùng non nước Tràng An, Ninh Bình và miền núi Cao Bằng, khung cảnh phim hầu như là cảnh sắc thiên nhiên với núi sông cùng những rừng cây xanh mướt bạt ngàn.
Trang phục của các diễn viên trong phim cũng được mô phỏng đúng như trong lịch sử, không phải trang phục cách tân hay tân trang lại. Khán giả có thể thấy được nào áo yếm, áo cánh, nào quần túm, váy đụp, nào áo ngũ thân,…với tông lạnh đơn sắc, màu trang phục nhạt, giản dị và mộc mạc: màu chàm, màu hồng nhạt, trắng, màu đen, xanh đen, nâu,…Trong đó, màu nổi bật nhất trong tất cả các trang phục xuất hiện trong bộ phim chính là sắc đỏ của áo ngũ thân ngày cưới của Mây và Tuyết. Đối với những người phụ nữ phong kiến, có lẽ ngày duy nhất họ được mặc trang phục đẹp, rực rỡ và lộng lẫy trong cuộc đời là ngày cưới, bởi sau này một khi đã về nhà chồng thì họ sẽ phải đổi sang các trang phục nhạt và trầm hơn, thể hiện sự an phận thủ thường cũng như sự nhún nhường bắt buộc phải có.
Là một bộ phim mang đậm chất nghệ thuật mà các thông điệp chủ yếu được thể hiện thông qua mặt ảnh, diễn xuất nhiều bằng biểu cảm khuôn mặt và tâm lí nhân vật chứ không qua thoại nên “phần nhìn” trong “Vợ Ba” có thể nói là phần được các nhà làm phim đặt nhiều tâm huyết vào nhất. Những triết lý ẩn dụ sâu xa về một Việt Nam xưa, những hàm ý đặc sắc về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ đều được khắc họa rõ nét sau mỗi thước phim, mỗi khung hình. Dường như sự xuất hiện của từng nhánh cây, ngọn cỏ đều không là thừa thãi trong sản phẩm đầu tay của đạo diễn Nguyễn Phương Anh.
Điều đầu tiên chúng ta phải nhắc đến đó là tấm ảnh trailer poster của phim “Vợ Ba”. Đó là hình ảnh một con mắt rỉ máu nằm dọc, bên trong con mắt đó thấp thoáng hình ảnh ông Hùng – chính là nhân vật người chồng trong bộ phim. Con mắt nằm dọc này tượng trưng cho âm đạo của người phụ nữ, còn máu chảy ra chính là máu trong lần quan hệ đầu tiên. Hình ảnh này còn hàm chứa một tầng nghĩa nữa, đó là khi trong đôi mắt của người phụ nữ thời xưa chỉ có hình ảnh người chồng – người đàn ông, là người có quyền quyết định, cũng là nguyên dân dẫn đến một cuộc sống bắt đầu bằng máu và kết thúc bằng huyết lệ. Bên cạnh đó, poster “Vợ Ba” tại Việt Nam cũng là hình ảnh của Mây – nữ nhân vật chính, đang nhìn về phía người chồng trong đêm tân hôn với ẩn ý rằng: sau khi đã chính thức về nhà chồng, từ đó trở đi người phụ nữ chỉ có một tín ngưỡng duy nhất – đó chính là chồng mình.
Teaser Poster phim “Vợ Ba” đầy ẩn ý nghệ thuật
Trong bộ phim, các hình ảnh mang tính gợi như nước, hang động, con tằm…đều ẩn chứa những hàm ý riêng mà nếu không thật sự nhập tâm và để ý, người xem sẽ không thể nào hiểu được. Mở đầu phim là hình ảnh Mây ngồi trên con thuyền chèo qua dòng sông để đến nhà chồng, cô khẽ đưa tay xuống làn nước trong vắt rồi lặng lẽ liếc nhìn những cảnh vật xung quanh. Nước là biểu trưng cho sự sống, sự sinh sôi, nảy nở, cũng như sự bất biến của thời gian. Nước là một phần thiết yếu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Sẽ không ngoa nếu nói “Vợ Ba” là một bộ phim “toàn là nước”, bởi hình ảnh nước là hình ảnh mở đầu, xuất hiện xuyên suốt cho tới kết thúc bộ phim: nước từ sông, suối, nước từ ao sen, nước mưa, nước mắt,…
Con tằm quấn kén
Vào ngày cưới của Mây, bà Lao – người quản gia trong nhà, đã đem đến cho mây một chén hạt lựu cùng lời chúc sinh được nhiều con trai. Trong dân gian, lựu là loại quả tượng trưng cho sự sinh sôi và sức khỏe sinh nở. Người phụ nữ khi ăn hạt lựu nhiều thì khi mang thai, thai nhi sẽ khỏe mạnh, sinh nở thuận lợi, mẹ tròn con vuông. Ngoài hình ảnh hạt lựu, còn một hình ảnh khác cũng mang tính biểu tượng cho việc sinh sôi nảy nở, đó là lòng đỏ trứng gà. Đêm tân hôn, một chiếc lòng đỏ trứng gà sẽ được đặt ở rốn người phụ nữ – đây chính là điểm trung tâm, nơi giao thoa kết nối giữa thai phụ và thai nhi, giúp nuôi dưỡng thai nhi. Người Việt xưa không chỉ đơn thuần xem việc động phòng là việc quan hệ giữa nam và nữ mà đó còn là một nghi lễ. Trứng gà được sử dụng trong đêm đầu tiên của cô dâu và chú rể là trứng gà so (trứng gà đẻ lần đầu), được cho là loại thực phẩm giúp tăng cường sinh lực cho nam giới và dễ thụ thai con trai.
Lòng đỏ trứng gà và những ý nghĩa ẩn dụ trong đêm tân hôn
Khi Mây mất đi lần đầu tiên của mình, cũng là khi hình ảnh những con tằm lần đầu tiên xuất hiện: tằm đang ăn lá dâu. Con tằm là một sự ẩn dụ đầy tinh tế xuất hiện xen kẽ, như một cuốn lịch sống kể về cuộc đời của Mây từ khi bước chân vào nhà chồng. Kể từ đó, hình ảnh con tằm xuất hiện đan xen vào những giai đoạn nhất định trong cuộc đời Mây, từ việc cô có thai, đến khi cô sinh con,…Con tằm được ví như người phụ nữ thời bấy giờ, nó chỉ biết ăn lá dâu, nhả tơ, cuốn kén rồi chết đi trong chính chiếc kén tối tăm của mình, không bao giờ có thể nhìn thấy lại ánh sáng. Những người phụ nữ xưa cũng vậy, họ bị nén ép vào những thước đo, khuôn khổ của xã hội cũ, để rồi tự thu mình đằng sau cánh cổng nhà, không bao giờ dám nghĩ đến việc bước ra bên ngoài nữa.
Buổi sáng đầu tiên sau ngày cưới, chiếc khăn lụa trải giường màu trắng có dính máu của Mây được bà Lao treo lên cành nêu ở giữa sân nhà, qua sự kiểm chứng của mợ Hà – vợ cả, Mây coi như đã qua được “bài kiểm tra” trinh tiết trước khi chính thức trở thành người nhà chồng. Thời xưa, trinh tiết là thứ đại diện cho tiết hạnh và danh dự của một người phụ nữ. Trước khi lấy chồng, người phụ nữ sẽ không thể thất thân vì bất kì lí do gì. Một người phụ nữ khi không còn trinh tiết thì khi xuất giá sẽ không thể có được cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, họ thậm chí có thể bị trả lại về gia đình bố mẹ đẻ và không bao giờ có thể kết hôn được nữa. Do vậy, đối với những người phụ nữ thời xưa mà nói, trinh tiết còn quan trọng hơn cả mạng sống. Máu thấm trên tấm lụa trắng của Mây và cái gật đầu của người vợ cả cũng chính một lời chấp nhận rằng cô đã được chính thức là một thành viên trong gia đình nhà chồng.
Phân cảnh tiếp theo chính là cảnh mợ cả và bà Lao cùng đỡ đẻ cho chú bò có tên Dưa Chua, còn mợ hai là người ở bên cạnh vuốt ve động viên chú bò, và cảnh bà Lao cho tay vào trong bụng con gà. Điều này chứng tỏ mợ Hà và bà Lao là hai người phụ nữ có kinh nghiệm nhất trong việc sinh nở, đây cũng là những hình ảnh ngầm dự báo trước rằng trong nhà sắp sửa có thêm một thành viên mới, và người đỡ đẻ ở đây không ai khác chính là mợ cả và bà Lao. Sự cố ý sắp xếp nhân vật trùng hợp đến rùng mình trong “Vợ Ba” chắc hẳn sẽ khiến người xem không khỏi thảng thốt. Bởi sau này vào ngày Mây sinh nở, mợ Hà và bà Lao cũng chính là hai người đỡ đẻ cho cô, còn mợ Xuân là người ở bên cạnh ôm lấy Mây, động viên và làm Mây bớt lo sợ trong quá trình sinh con.
Mặc dù đều là những người phụ nữ phải chịu một số phận chung, mỗi người phụ nữ trong “Vợ Ba” lại đóng một vai trò riêng, thể hiện những khía cạnh khác nhau của người phụ nữ thời xưa. Mỗi người trong số họ đều mang một nỗi khát khao riêng, một nét tính cách riêng. Luôn bị chèn ép bởi lễ giáo cũ, nhưng họ vẫn ngầm xoay chuyển, để giải tỏa và tìm sự thỏa mãn cho chính bản thân mình. Cùng với đó, mỗi nhân vật nữ trong bộ phim cũng đóng vai trò là một cột mốc riêng cho cuộc đời của người phụ nữ. Từ con gái mới sinh của Mây, ba cô con gái của mợ Xuân cho đến Mây, mợ Xuân, mợ Hà và bà Lao. Các cô bé gái trong gia đình là đại diện cho thân phận người phụ nữ khi vẫn chưa được gả đi, được chở che dưới sự bao bọc của mẹ và gia đình.
Mây là đại diện cho người con gái ở lứa tuổi dậy thì, vẫn còn ngây thơ như một tờ giấy trắng, nhưng trong ánh mắt cũng hiện lên sự tò mò và vẻ gợi cảm khó tả. Mợ Xuân là đại diện cho độ tuổi có sức sống căng tràn nhất của một người phụ nữ với vẻ xinh đẹp và quyến rũ khó chối từ. Mợ Hà đại diện cho sự mặn mà của một người phụ nữ trưởng thành và từng trải, mợ điềm đạm, cư xử đúng mực, có khí chất của một chính thất vun vén, sắp xếp chu toàn chuyện “hậu cung” trong gia đình. Ba người vợ với ba nét tính cách khác nhau, với sở thích trong chuyện chăn gối cũng khác nhau như thể là một tiếng nói phản biện cho sự rập khuôn ngàn đời của những chuẩn mực trong xã hội đương thời. Dù phải cảnh chung chồng, nhưng họ cũng không thể hiện sự ghen tuông mà vẫn có những phút giây “chị chị em em” chia sẻ, tâm sự, vui đùa với nhau, dù đương nhiên đố kỵ là điều không thể tránh khỏi, thế nhưng sự cạnh tranh đó không bị đẩy đến cao trào dẫn đến hủy diệt lẫn nhau, mà vẫn chủ yếu tập trung vào vòng lặp của cuộc đời người phụ nữ khi xưa.
Có thể những người vợ trong “Vợ Ba” cảm thấy việc đấu đá lẫn nhau là điều không cần thiết, họ dường như thông cảm với nhau nhiều hơn, bởi cô cô tôi tôi, cuối cùng vẫn chỉ chịu chung một số mà thôi. Cuối cùng là nhân vật bà Lao, bà là đại diện của một người phụ nữ khi đã bước đến độ tuổi 60, khi người ta đã có thể nhìn thấu chuyện đời. Là người hiểu biết về lễ nghi, biết hết được những khúc mắc trong gia đình ông Hùng nên bà là người chăm sóc, thường đưa ra lời khuyên và giải thích ranh giới đúng – sai cho lớp non trẻ. Những đứa trẻ trong gia đình ông Hùng thân thiết với bà Lao hơn ai hết và tâm sự với bà hết thảy, nhưng bởi vậy, bà cũng lại là biểu tượng của những người bị các tiêu chuẩn cũ kĩ của xã hội phong kiến ăn sâu vào trong tiềm thức, bà không còn thắc mắc hay tìm cách chống đối như Sơn, như Nhàn,…nữa, bởi đối với bà đó cũng chỉ là sự vô ích mà thôi.
Bộ phim “Vợ Ba” là một bộ phim lồng ghép rất nhiều phân cảnh ngụ ý cho sự bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới trong thời kì phong kiến và các phản ứng khác nhau của những người phụ nữ. Trong bữa cơm của gia đình nhà ông Hùng, cha của ông là cụ Bá có nhắc đến việc Sơn – cháu đích tôn trong nhà rất thích một con ngựa mới. Cô bé Nhàn – con gái thứ hai của mợ Xuân, vốn là một cô bé nghịch ngợm, cá tính, cũng rất thích một con ngựa, nên đã hồn nhiên hỏi xin ông nội mình một con, khi ông chỉ cười khà khà trước hành động ngây thơ của cô cháu gái, thì Nhàn lại quay sang hỏi mẹ xin ý kiến. Lúc này, mợ Xuân – mẹ ruột của Nhàn chỉ khẽ nhìn cô nhăn mày rồi lắc đầu ý nhắc Nhàn im lặng chứ không nói thêm điều gì cả.
Như vậy có thể thấy, những người phụ nữ ngày xưa không được phép xông pha làm những việc mà phái mạnh có thể làm, tiêu chuẩn của một người phụ nữ hoàn hảo là một người dịu dàng, nhỏ nhẹ, hiểu lễ nghĩa, họ chỉ có thể ở nhà chăm lo việc bếp núc, may vá, thêu thùa,…Cô bé Nhàn trong bữa cơm có đầy đủ tất cả các thành viên trong gia đình lại hỏi xin một con ngựa để học cưỡi như anh trai mình – đó là một việc thể hiện sự không lễ độ của một người con gái trong mắt những người xung quanh, do vậy mới nhận được phản ứng như vậy từ ông và mẹ. Tuy nhiên, hành động này cũng làm nổi bật lên sự cá tính, không chịu đầu hàng trước phận nữ nhi của Nhàn, Nhàn cũng là nhân vật đại diện cho sựmđấu tranh, niềm tin vào sự đổi mới, giải thoát cho phái nữ trong bộ phim.
Trước khi Sơn cưới vài ngày, mợ Hà phải cho chú bò Dưa Chua ăn lá ngón, bởi nó đã quá yếu và không đi nổi mấy ngày rồi, và sẽ là điềm xui nếu để nó chết vào ngày cưới của Sơn. Điều này đã khiến Nhàn rất buồn, bởi Dưa Chua như một người bạn thân thiết của cô bé. Vì sự bướng bỉnh của mình trước cái chết của Dưa Chua, Nhàn bị phạt quỳ trong sân nhà, mợ Xuân mang bát cháo đến bón cho cô bé ăn, nhưng Nhàn thà chịu phạt quỳ chứ nhất quyết không ăn. Sau khi Dưa Chua chết, mợ Hà cũng bị sảy thai. Mợ nằm thẫn thờ trên giường cả buổi sáng, khóc không ra nước mắt. Theo lời của mợ Xuân đối với Mây, thì đây không phải lần đầu tiên mợ Hà bị sảy thai. Tuy nhiên, người xem vẫn cảm thấy đây dường như là một sự đánh đổi trả giá, khi mợ Hà là người cho Dưa Chua ăn lá ngón. Cảnh quay toàn cảnh mợ Hà đi một mình trong sân sau, trước núi non hùng vĩ, càng làm cho thân ảnh mợ trở nên bé nhỏ. Có lẽ cũng bởi vì mợ Hà không thể có thai và sinh thêm con, nên ông Hùng mới thêm một người vợ hai là mợ Xuân, tuy nhiên mợ Xuân cũng chỉ lại sinh toàn con gái, do đó ông Hùng lại cưới thêm Mây về làm vợ ba, với hi vọng Mây sẽ sinh con trai cho mình. Những người phụ nữ trong “Vợ Ba” rất thường được quay cảnh sinh hoạt giữa thiên nhiên bao la, đó cũng là ý tứ của đạo diễn khi muốn lột tả thân phận nhỏ bé của người phụ nữ trong xã hội xưa, họ không nhận được sự đối xử bình đẳng, cũng như không bao giờ có được tình yêu chân chính từ người đàn ông mà họ dõi mắt trông theo suốt cả cuộc đời.
Ngày cưới của Sơn, Mây bê mâm lòng đỏ trứng vào trong phòng tân hôn của Sơn, liếc qua thấy bóng Tuyết, Mây bỗng nhớ lại ngày cưới của mình rồi chợt mỉm cười dịu dàng. Nhưng khi nhìn thấy Sơn ngồi một mình ngoài sân uống rượu, mắt Mây rưng rưng một nỗi lòng khó tả. Có lẽ Mây thương Tuyết và thông cảm với Tuyết, nhưng cũng chỉ có thể thở dài vì số phận của Tuyết đã là như vậy. Mây cưới về vẫn được ông Hùng quan tâm, được mọi người săn sóc. Còn Tuyết lại chỉ có thể cô đơn lẻ bóng, phải lấy chồng sớm, rời xa gia đình, nhưng lại chỉ nhận được sự hắt hủi của người thân duy nhất ở nơi đất khách – chồng mình. Sau đó khi Tuyết chết, Mây nhìn thấy một con ngài đậu trên trán Tuyết. Một con ngài đã may mắn thoát ra được khỏi kén tằm. Con ngài là hình ảnh xuất hiện chớp nhoáng trong nhiều cảnh phim, không phải lúc nào cũng hiện thân: có lúc là cái bóng, có lúc chỉ là tiếng đập cánh, ẩn chứa một ý nghĩa rất quan trọng. Nó là biểu tượng của sự giải thoát. Ngày đưa tang cho Tuyết, Mây bỗng thấy một cơn gió nổi lên rồi nghe tiếng đập cánh của con ngài. Đó chính là hình ảnh ẩn dụ ngụ ý cho việc linh hồn Tuyết đã được giải thoát. Người phụ nữ khi sống bị chèn ép trong sự tù túng của quan niệm và chuẩn mực xã hội, cuối cùng cũng được giải thoát, nhưng phải trả giá bằng cái chết.
Mây sinh con ngay trong đêm trước ngày Tuyết tự vẫn. Lúc này, hình ảnh hang động lại xuất hiện. Trong cơn mê man khi đã ngất xỉu vì kiệt sức lúc sinh con, Mây như nhìn thấy mình ngày đầu tiên về nhà ông Hùng. Mây quàng chiếc khăn màu đỏ ngồi trên thuyền, chèo dần vào trong hang động tối om. Mây dường như không thể nhìn thấy một tia sáng, cô ngâm mình thả trôi theo làn nước lênh đênh không lối thoát. Chỉ khi nghe thấy tiếng con khóc chào đời, Mây mới bừng tỉnh nhìn thấy ánh sáng le lói nơi lối ra ở phía cuối động. Mây rất mong muốn có được một đứa con trai, nhưng cuối cùng lại sinh con gái. Cô chỉ biết nhìn các chị và bà Lao bằng ánh mắt hoang mang như thể không muốn tin vào sự thật, như thể cô không biết phải làm gì với chính đứa con của mình. Số phận người phụ nữ xưa là như thế đấy. Ngay từ giây phút mới sinh ra đã không được đón chào. Thậm chí từ chính người đã mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày.
Hình ảnh hang động cũng lại xuất hiện khi người ta đưa Tuyết đi chôn, nhưng đối với Tuyết, hang động đó hoàn toàn không có lối ra, bởi sự sống của cô đã kết thúc. Sự sống và cái chết trong phim tựa như được miêu tả thông qua hình ảnh hang động, ánh sáng phía cuối hang động xuất hiện cùng với tiếng khóc của con gái Mây – một vòng tuần hoàn mới lại ra đời. Tuyết được đưa vào hang bằng ánh đuốc le lói, cuối cùng cũng nguội lạnh rồi dần tắt – một sinh mạng đã kết thúc. Cái số phận lênh đênh của người phụ nữ xưa lại càng được nêu rõ sau cái chết của Tuyết. Người con gái sau khi đã xuất giá, sống là người nhà chồng, chết làm ma nhà chồng. Sau khi Tuyết mất, đưa tang cô cũng chỉ có gia đình nhà chồng, tuyệt nhiên cô như đã không còn bất kì quan hệ gì với cha mẹ đẻ của mình nữa.
Trước khi quan tài Tuyết bị đưa đi, Mây bế con khẽ liếc nhìn lần lượt những người “con gái” trong gia đình: từ đứa con mới sinh của mình, đến Nhàn, mợ Xuân, mợ Hà, rồi đến Liên. Sự thật rành rành nhưng nỗi lòng lại không thể tỏ. Mỗi người đều đang chìm đắm trong suy nghĩ của riêng mình. Có lẽ ở đây, bất kể ai xem phim cũng có thể cảm nhận được sự đồng cảm của những người phụ nữ này đối với Tuyết. Họ tiếc thương cho Tuyết, và cũng tiếc thương cho chính bản thân mình, cho chính số phận của mình. Ánh mắt Mây dừng lại trên người Liên lâu nhất. Bởi Liên cũng chuẩn bị có đám cưới của mình sau đám cưới của Sơn, bởi Liên cũng bằng tuổi Tuyết, bởi không biết, Liên sau khi về nhà chồng, có phải trải qua điều mà Tuyết đã phải trải qua hay không. Những cảnh quay trung cảnh hướng đến những người phụ nữ trong đoàn đưa tang Tuyết dường như càng khiến cổ họng người ta như nghẹn lại. Lúc này, từ trong ánh mắt ngắc ngoải của Mây, người ta như đã nhìn ra điều gì.
Những người phụ nữ và ẩn ý về số phận họ trong đám tang của Tuyết.
Ngoài những hình ảnh trên ra, các cảnh quay cận cảnh được tận dụng một cách triệt để trong rất nhiều những hình ảnh ẩn dụ khác xuất hiện vào cuối phim, hàm ý cho thân phận của người phụ nữ, khiến cho ý nghĩa ẩn dấu đằng sau đó được hiện lên rõ nét hơn. Hình ảnh những người phụ nữ từ lúc còn nhỏ, lúc thiếu niên cho đến khi trưởng thành. Hình ảnh ngọn đèn dầu le lói trước gió. Hình ảnh bước chân cô hầu gái dẫm lên mái tóc vừa bị cạo đi của mình,…đều gợi lên trong lòng người xem một cảm giác cồn cào, xót xa. Thân phận người phụ nữ cuối cùng lại mong manh như ngọn nến le lói trong gió, một cơn gió nhẹ thổi qua cũng có thể bị dập tắt. Như bông hoa trôi lênh đênh trên dòng nước, chẳng biết bị vùi dập đến lúc nào, rồi trôi dạt vào đâu. Mây bế con một mình đi theo chiếc thuyền đưa tiễn Tuyết đến bên bờ sông rồi ngồi bên tảng đá, nhìn dòng nước chảy xiết.
Bộ phim kết thúc bằng cảnh Mây ngắt một đóa hoa lá ngón lên rồi nhìn về phía đứa con đang khóc, và cảnh Nhàn ngồi bên bờ suối cắt đi mái tóc dài của mình. Kết thúc mở của bộ phim đã gợi lên cho khán giả nhiều suy nghĩ. Đặc biệt là hình ảnh cô bé Nhàn dứt khoát cắt phăng đi mái tóc mình, khiến cho tóc từng lọn trôi theo dòng suối. Kết thúc bằng hình ảnh này, đạo diễn muốn khẳng định về niềm hi vọng vào sự thay đổi cho số phận của người phụ nữ trong tương lai, mà sự thay đổi đó bắt đầu từ cô bé Nhàn.
Cô bé Nhàn tự cắt phăng đi mái tóc dài của mình trong cảnh quay kết thúc phim
Âm thanh
Trong 5 giác quan của con người, thính giác có ảnh hưởng lớn thứ hai đến người xem (sau thị giác). Giác quan này đóng góp khoảng 10% tổng thông tin mà não người nhận và xử lý. Cùng với các kích thích thị giác (80%), 2 giác quan này góp phần định hình đáng kể nhận thức và quyết định của con người, chiếm khoảng 90% trải nghiệm giác quan. Do vậy, âm thanh và âm nhạc không chỉ đóng vai trò là yếu tố phụ trợ, mà còn là một phần không thể thiếu giúp đưa đẩy cảm xúc của người xem trong mỗi bộ phim.
Mỗi âm thanh trong phim đều được phối hợp một cách tinh tế, từ tiếng piano dìu dặt vang lên ở đầu bộ phim, xen lẫn với tiếng côn trùng kêu rả rích. Hay những âm thanh của thiên nhiên được sử dụng gần như triệt để trong phim: tiếng chim hót, tiếng lá bay, tiếng nước suối chảy róc tách,…mang lại cho người xem cảm giác nhẹ nhàng, thư giãn. Tiếng gõ mõ, tiếng chuông chùa âm vang, tiếng hát ru trong đêm tĩnh lặng cũng vô tình khiến người nghe phải lười nhác muốn thở hắt ra, rũ bỏ tất cả phòng bị. Những âm thanh ấy thấm vào lòng người rồi văng vẳng mãi không thể nào thoát ra được. Gần gũi và yên bình đến lạ.
Cộng hưởng cảm giác thoải mái đó là tiếng sáo trúc trầm bổng như sầu như bi, hòa trộn với màu sắc mờ ảo của bộ phim, lại mơ hồ làm cho người ta cảm thấy lòng mình nặng trĩu, tựa như có thứ gì đang len lỏi, từ từ ngấu nghiến, khiến trái tim họ không lường trước mà co thắt. Các nhà làm phim luôn khéo léo tạo hiệu ứng âm thanh rất phù hợp vào những thời điểm then chốt, làm cho những thước phim chậm rãi không hẹn cũng như bị đẩy đến cao trào, người xem phải ồ lên khi vỡ lẽ ra những ẩn ý và sắp đặt của các tình tiết phim.
Ấn tượng nhất là vào đêm tân hôn của Tuyết và Sơn, khi Mây đang đứng trước cửa phòng của đôi vợ chồng mới, cô chợt nghe thấy tiếng quạ kêu. Theo quan niệm dân gian của người Việt, quạ là loài động vật đem tới những điều không may mắn, báo hiệu điềm gở, thậm chí còn là dấu hiệu của sự chết chóc. Trái ngược với niềm vui của ngày cưới, Mây lại nghe thấy tiếng quạ kêu trước phòng tân hôn của Sơn và Tuyết. Tiếng kêu của con quạ như tiếng gọi của nữ thần báo tử, báo hiệu cho cao trào của bộ phim – cái chết của Tuyết sau đêm tân hôn, một bước ngoặt lớn đem lại sự chuyển biến cho những người phụ nữ trong gia đình ông Hùng.
Những cảnh kết thúc phim, tiếng khóc ngặt của con gái Mây cũng được phát lên xen kẽ vào trong những phân cảnh cuối, mập mờ ẩn ý cho diễn biến tâm lý của Mây. Tiếng khóc dai dẳng ấy như bóp nghẹt trái tim của người nghe, khiến khán giả chợt xót thương cho Mây, cho số phận người phụ nữ. Đàn bà lại đẻ ra đàn bà. Như những chiếc kim châm đau nhói vào tâm can, đó dường như là sự uất ức cùng cực, nhưng cũng là sự bất lực, buông xuôi của Mây, cô không còn tâm trạng để dỗ dành đứa con của mình nữa. Trong đầu Mây lúc đó đã nghĩ gì? Không phải con trai, con gái Mây rồi sau này sẽ lại có số phận như Mây, như bao người phụ nữ khác, chỉ có tác dụng duy nhất là duy trì nòi giống, không giá trị, không tiếng nói, không người.
Có thể thấy, đạo diễn Phương Anh đã rất khéo léo trong việc sử dụng âm thanh cho bộ phim. Những âm thanh này không chỉ giúp làm sinh động hơn cho không gian, thời gian mà còn góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật và tạo nên sự khác biệt cho tác phẩm. Những âm thanh này đánh vào phần tâm sâu bên trong, vô thức gợi mở, đưa người xem đến với những cung bậc cảm xúc khác nhau theo đúng chủ đích của bộ phim và của tác giả.
Kết Luận
Bộ phim “Vợ ba” cùng với kịch bản hầu như triệt tiêu kịch tính, các nút thắt được tháo mở dễ dàng, tập trung vào các hình ảnh ẩn dụ nhằm ám chỉ những đau đớn vì bị áp bức và mong muốn được giải thoát của người phụ nữ trong xã hội bấy giờ. Tiết tấu phim chậm, cách thể hiện các nút thắt và tình tiết cao trào cũng đầy cam chịu và kìm nén, bộ phim hẳn sẽ gây bức bối và khá “kén” người xem. Bên cạnh đó, việc đưa các chi tiết nhạy cảm vào bộ phim khiến cho bộ phim không phù hợp với công chúng nhiều lứa tuổi.
Mặc dù vấp phải nhiều ý kiến trái chiều sau công chiếu, không thể phủ nhận tác phẩm đầu tay của đạo diễn Nguyễn Phương Anh là một tác phẩm có tính nghệ thuật cao, sử dụng các ngôn ngữ truyền thông khác nhau một cách tài tình và truyền tải thông điệp hiệu quả. Cái tôi và tư duy của người phụ nữ được đạo diễn thể hiện một cách tinh tế. Xã hội phong kiến nam quyền được mở ra từng lớp qua cốt truyện và diễn biến tâm lý của từng nhân vật, ẩn ý, khéo léo chứ không sỗ sàng, trần trụi.
Nguồn: Tổng hợp.