Cổ phiếu quỹ cùng là một khoản mục kế toán riêng trong vốn chủ sở hữu áp dụng cho Công ty Cổ phần. Hiểu một cách đơn giản, khi Công ty cổ phần mua lại cổ phần của chính mình và không hủy bỏ cổ phần đó được coi là cổ phiếu quỹ và cổ phiếu quỹ này chỉ áp dụng cho loại hình doanh nghiệp là Công ty cổ phần.
Công ty cổ phần có hai loại: Công ty cổ phần chưa đại chúng và Công ty đại chúng.
Công ty đại chúng được hiểu là công ty đáp ứng 1 trong hai điều kiện sau: (i) Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ; hoặc (ii) Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước. Công ty cổ phần không đáp ứng được 1 trong hai điều kiện trên là Công ty cổ phần chưa đại chúng.
Công ty đại chúng ngoài việc tuân thủ các quy định của Luật doanh nghiệp còn phải tuân thủ thêm Luật chứng khoán liên quan đến các quán trình hoạt động kinh doanh, báo cáo, tổ chức và quản lý nội bộ.
1. Đối với Công ty cổ phần chưa đại chúng
Theo Điều 134.2. Luật doanh nghiệp năm 2020 thì:
“Điều 134. Điều kiện thanh toán và xử lý các cổ phần được mua lại
1. Công ty chỉ được thanh toán cổ phần được mua lại cho cổ đông theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật này nếu ngay sau khi thanh toán hết số cổ phần được mua lại, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
2. Cổ phần được mua lại theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật này được coi là cổ phần chưa bán theo quy định tại khoản 4 Điều 112 của Luật này. Công ty phải đăng ký giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phần được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phần, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác.
3. Cổ phiếu xác nhận quyền sở hữu cổ phần đã được mua lại phải được tiêu hủy ngay sau khi cổ phần tương ứng đã được thanh toán đủ. Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải liên đới chịu trách nhiệm về thiệt hại do không tiêu hủy hoặc chậm tiêu hủy cổ phiếu.”
Điều này có nghĩa, Công ty cổ phần chưa đại chúng sẽ không được quyền có cổ phiếu quỹ, khi Công ty cổ phần mua lại chính cổ phần của mình thì sẽ phải thủ tục giảm vốn điều lệ.
2. Đối với Công ty đại chúng
Luật chứng khoán năm 2019 quy định hiệu lực của cổ phần quỹ cho công ty đại chúng như sau:
Công ty đại chúng chỉ được phép giữ lại cổ phiếu mua lại trước ngày 01/01/2021 làm cổ phiếu quỹ mà không cần giảm vốn điều lệ đối với số cổ phần mua lại đó. Đối với cổ phần được mua lại sau ngày 1/1/2021, công ty đại chúng buộc phải hủy và làm thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng.
Các căn cứ này cho thấy, sau ngày 01/01/2021, các công ty cổ phần bao gồm công ty cổ phấn chưa đại chúng và công ty đại chúng đều không được quyền giữ lại cổ phần mua lại của mình mà buộc phải tiêu hủy và làm thủ tục giảm vốn.
Chế định này có thể giúp cơ quan nhà nước quản lý được vốn điều lệ của doanh nghiệp và hạn chế các hành vi lạm dụng chế định cổ phiếu quỹ để tạo giá trị ảo trên thị trường chứng khoán.
Vì việc nắm giữ cổ phiếu quỹ sẽ không làm phát sinh các quyền cổ đông, theo hướng dẫn của Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước thì Công ty mua lại cổ phần của mình không có “quyền biểu quyết tại cuộc họp, quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ sở hữu và các quyền khác của cổ đông liên quan đến cổ phiếu quỹ (tham gia phân chia tài sản khi giải thể). Nên công ty đại chúng không thể được coi là cổ đông của chính mình. Luật doanh nghiệp cũng như Luật chứng khoán đều cho phép các Công ty cổ phần được quyền mua lại cổ phần đã bán của mình, như vậy đây là một quyền đặc đinh, việc mua lại này cũng đã ảnh hướng ít nhiều đến giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, do vậy quyết định việc giữ lại cổ phần đã mua lại hay không đơn thuần chỉ là quyết định kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, số vốn điều lệ cũng đã được góp đủ trước thời điểm doanh nghiệp mua lại cổ phần của mình. Do vậy, các quy định hiện tại chưa có tính khả thi và chưa phản ánh được đúng thông lệ thị trường.
Chế định cổ phiếu quỹ được rất nhiều nước phát triển công nhận tính pháp lý. Theo Điều 76H tại Company Act của Singapore, Công ty cổ phần sau khi mua lại cổ phần của mình có quyền giữ lại thành cổ phiếu quỹ nhưng không được vượt quá 20% cổ phiếu phổ thông/hoặc cổ phiếu ưu đãi.