Trên thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay, làm thế nào để bạn có thể trở thành một thương hiệu đáng tin cậy đối với khách hàng?
Theo Chỉ số Niềm tin Thương hiệu Gustavson, niềm tin vào thương hiệu đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2020. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, vẫn các nhà nghiên cứu đó phát hiện ra một yếu tố có thể giúp bạn khôi phục niềm tin đó, đó là sự chân thực (Authenticity). Sự chân thực của thương hiệu và niềm tin vào thương hiệu có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Vậy làm thế nào để bạn làm cho thương hiệu của mình trở nên chân thực hơn để xây dựng niềm tin với khách hàng? Hãy cùng thảo luận về tầm quan trọng của sự chân thực và các cách để cải thiện và tăng cường nó cho thương hiệu của bạn.
Tầm Quan Trọng Của Sự Chân Thực
Sự chân thực của thương hiệu của bạn có thể quyết định hành vi mua hàng của khách hàng. Một khảo sát với hơn 1,500 người tiêu dùng cho thấy rằng 90% cho rằng sự chân thực là quan trọng khi quyết định ủng hộ thương hiệu nào.
Giống như việc xây dựng thương hiệu dựa trên dữ liệu giúp bạn thiết lập một thương hiệu vững chắc, thì việc xây dựng thương hiệu dựa trên sự chân thực cũng vậy. Sử dụng dữ liệu để xây dựng chiến lược thương hiệu của bạn, sau đó tìm cách làm cho chiến lược đó trở nên chân thực.
5 Cách Làm Cho Thương Hiệu Của Bạn Trở Nên Chân Thực Hơn
Dưới đây là 5 chiến lược mà bạn có thể sử dụng để củng cố tính chân thực cho thương hiệu của mình.
1. Bổ Sung Hiệu Ứng Xã Hội (Hiệu Ứng Lan Truyền)
Đây là một trong những cách tốt nhất để xây dựng niềm tin vào thương hiệu của bạn.
Hiệu ứng xã hội hay Hiệu ứng lan truyền là bằng chứng cho thấy các khách hàng ngoài kia thích thương hiệu của bạn. Đó là các đánh giá, bài đăng trên mạng xã hội từ khách hàng và các case study. Những hình thức của sự chấp thuận một thương hiệu trên thị trường đó là những đóng góp chính trong việc xây dựng niềm tin thông qua sự chân thực.
Rốt cuộc, khách hàng có xu hướng tin tưởng những người xung quanh hơn là một thương hiệu mà họ chưa biết. Hiệu ứng xã hội mang lại cho hoạt động Marketing của bạn một cảm giác “con người” hơn, phá bỏ các rào cản niềm tin đối với một thương hiệu.
Hãy thúc đẩy hiệu ứng xã hội trong hoạt động Marketing của bạn bất cứ khi nào có thể để thêm tính chân thực. Ở đây có thể là các trang web, trang đích, bài đăng trên mạng xã hội — bất cứ nơi nào bạn có không gian để chứng minh cho chính mình.
2. Chia Sẻ Câu Chuyện Của Thương Hiệu
Câu chuyện là điều tách biệt doanh nghiệp với thương hiệu của bạn. Những thương hiệu mạnh thường có một sứ mệnh đằng sau, dù đó là điều gì đơn giản như làm cho mọi người hạnh phúc hơn hay điều gì tham vọng như giúp đỡ bảo vệ môi trường. Chia sẻ cách mà thương hiệu của bạn ra đời và lý do tại sao bạn làm những gì bạn đang làm để xây dựng niềm tin với khách hàng.
Bạn thường sẽ thấy câu chuyện của một thương hiệu trên trang “Về Chúng Tôi” của họ. Hãy xem cách thương hiệu Phê La chia sẻ sứ mệnh và câu chuyện của mình trên trang “Về Chúng Tôi“.
3. Sử Dụng Hình Ảnh Thực
Hình ảnh từ kho ảnh trên mạng thường tốt hơn là không có hình ảnh nào trên website, nhưng chúng sẽ không thể hiện đúng thương hiệu và sản phẩm của bạn. Chúng không thể so sánh với những bức ảnh thực về sản phẩm, con người.
Hãy chia sẻ những bức ảnh thực về các thành viên trong công ty, sản phẩm và khách hàng của bạn trong hoạt động Marketing. Nếu bạn có ngân sách, hãy thuê một nhiếp ảnh gia chụp ảnh chuyên nghiệp. Nếu không, có thể tìm một thành viên trong công ty có camera điện thoại xịn nhất, rồi chụp ảnh nhân viên, sản phẩm trên những phông nền mà bạn cảm thấy ưng ý nhất.
Hãy tìm những người làm cho thương hiệu của bạn trở nên độc đáo và chia sẻ hình ảnh của họ thay vì ảnh của người mẫu mà bạn chưa từng gặp.
Tuy nhiên, trong trường hợp bạn cần sử dụng ảnh có sẵn, hãy tìm những bức ảnh trông tự nhiên hơn là những bức ảnh được tạo dáng rõ ràng. Ảnh có sẵn trông tự nhiên vẫn là một cách tuyệt vời để cải thiện hình ảnh marketing của bạn.
4. Hãy Giữ Sự Minh Bạch
Chúng ta đã nói về việc thêm tính chân thực vào vẻ ngoài, cảm nhận và thông điệp của thương hiệu. Nhưng bạn cũng xây dựng thương hiệu khi tương tác với khách hàng. Phương pháp giao tiếp của bạn ảnh hưởng đến cách khách hàng nhìn nhận thương hiệu của bạn.
Nếu bạn muốn xây dựng một thương hiệu thật sự chân thực, bạn cần thực hiện những gì bạn nói và giữ sự minh bạch với khách hàng. Sự cởi mở là chìa khóa trong bất kỳ mối quan hệ nào, bao gồm mối quan hệ giữa bạn và khách hàng của mình.
Bạn có thể nghe nhiều hơn về các thương hiệu vi phạm quy tắc này hơn là việc tuân thủ nó. Một thương hiệu mắc lỗi và họ thường mất rất nhiều thời gian để sửa sai hay bù đắp cho khách hàng. Hoặc thậm chí tệ hơn — họ bơ luôn, không quan tâm hay nói gì về lỗi đó cả.
Mọi thương hiệu đều mắc lỗi. Khi thương hiệu của bạn mắc lỗi, hãy thông báo cho khách hàng và xin lỗi vì sự bất tiện này.
5. Lắng Nghe Nhiều Như Khi Bạn Nói
Khi marketing cho thương hiệu của mình, rất dễ để liên tục nói về bản thân thương hiệu. Lắng nghe những gì khách hàng nói về thương hiệu của bạn, khó hơn nhưng cũng quan trọng hơn.
Hãy dành thời gian lắng nghe khán giả, khách hàng, đối tác của bạn. Bạn có thể sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khách hàng, như khảo sát và social listening, để thu thập phản hồi từ khách hàng. Hãy chú ý đến những gì khách hàng nói về sản phẩm của bạn và giải quyết những mối quan tâm khi có thể.
Bạn cũng có nhiều cách để làm cho khách hàng cảm thấy thú vị và dễ dàng khi chia sẻ phản hồi của họ.
Xây dựng một thương hiệu chân thực là một công việc đòi hỏi tính liên tục. Bạn sẽ cần giữ một cánh cửa mở với khách hàng và chia sẻ mục đích của thương hiệu để xây dựng niềm tin với khách hàng. Khi bạn đã sẵn sàng các nguyên liệu để marketing, chưa xong đâu — bạn chỉ mới bắt đầu trên con đường làm cho thương hiệu của mình trở nên chân thực hơn.