Malaysia là đất nước đa sắc tộc, đa tôn giáo và có những điểm khác biệt với văn hóa Việt Nam. Do đó việc hiểu được cách đặt tên sẽ giúp việc giao tiếp với các đối tác Malaysia trở nên hiệu quả hơn, đặc biệt với đội ngũ nhân sự Ecomobi tại thị trường MY. Trong bài viết này, tác giả sẽ chia sẻ về cấu trúc tên gọi một người của cộng đồng phổ biến nhất tại Malaysia: người Mã Lai bản địa.
Tên gọi của người gốc Mã Lai
Đây là cộng đồng chiếm đa số trong cơ cấu dân số Malaysia, khoảng 60%. Hầu hết người Mã Lai là tín đồ Hồi giáo dòng Sunni, do đó tên của họ thường mang những giá trị Hồi giáo và có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập.
Quy ước tên goi của họ theo cấu trúc sau: [Tên riêng] [Từ chỉ quan hệ (dạng từ chỉ con trai/gái)] [Tên riêng của cha]. Ví dụ: MOHAMMAD SABRI BIN AZEMI (nam) và NOR AISYAH BINTI MOHD ROSLY (nữ).
Tên riêng (hoặc ‘tên cá nhân’) được chọn ngay từ lúc sinh ra để phân biệt với mọi người, phần tên này có thể là một từ hoặc hai đến ba từ. Hầu hết các tên riêng của người Mã Lai là từ tiếng Ả Rập và có ý nghĩa Hồi giáo, ví dụ như Muhammad, Ahmad, Zikri, Rayyan (nam) hoặc Nor, Nur, Zara, Aishah, Nadia (nữ). Do việc sử dụng phổ biến, các tên gọi đó đã mất đi chức năng phân biệt cá nhân nên cha mẹ thường sẽ đặt cho con mình hai hoặc ba tê phía sau, để dễ phân biệt hơn. Một số người có hai hoặc ba tên riêng, ví dụ như Muhammad Khidir bin Ali.
Từ chỉ quan hệ hay quan hệ từ là từ ‘bin’ (nghĩa là ‘con trai của’) cho nam và ‘binte’ hoặc ‘binti’ (nghĩa là ‘con gái của’) cho nữ, thường không cần viết hoa. Ví dụ, tên ‘Razak bin Osman’ dịch nghĩa là “Razak con trai của Osman”.Một số người có thể sử dụng các thuật ngữ ‘anak lelaki’ (con trai của) hoặc ‘anak perempuan’ (con gái của) thay vì từ ‘bin/binte/binti’. Phụ nữ Mã Lai không cần thay đổi tên sau khi kết hôn.
Người con được thừa hưởng tên riêng của cha từ lúc sinh ra, nếu người cha có phần tên riêng hai từ hoặc ba từ, thì tên của người con có thể cũng gồm tất cả tên riêng của cha. Ví dụ, trong tên ‘NOR AISYAH BINTI MOHD ROSLY ‘, ‘Mohd Rosly’ là tên riêng của cha cô ấy.
Việc sử dụng tên của cha khác với văn hóa đặt tên của Việt Nam, thay vì các thế hệ có họ chung trong tên thì với người Mã Lai, anh chị em cùng cha mới có phần tên giống nhau. Ví dụ, trong khi Razak bin Osman có thể có một anh trai tên Zikri binte Osman, cha (Osman bin Abdul) và mẹ (Nor Arissa binte Ahmad) của họ có các phần kết thúc tên khác nhau liên quan đến cha của họ. Do đó, việc xác định mối quan hệ gia đình qua tên gọi của một người chưa hẳn là chính xác.
Trường hợp ngoại lệ, một số gia đình có thể có một tên họ thêm vào cuối tên của mình (thường là những người từ các gia đình danh giá). Ví dụ, Thủ tướng Mohammad Najib Bin Abdul Razak có họ gia đình “Razak”.Một số người Mã Lai có thể rút gọn từ chỉ quan hệ thành ‘B’ trong hình thức viết, hoặc bỏ nó hoàn toàn (ví dụ Aisyah B. Musa hoặc Aisyah Musa).
Sử dụng tên gọi trong giao tiếp
Người Mã Lai thường sử dụng các danh xưng và kính ngữ khi nói chuyện trong các bối cảnh chuyên môn hay khi gặp ai đó lần đầu tiên.
Các dạng danh xưng phổ biến nhất trong tiếng Mã Lai là ‘Encik’ dành cho nam và ‘Puan’ hoặc ‘Cik’ dành cho nữ, tương đương với ‘Mr’, ‘Mrs’ và ‘Miss’ tương ứng.
Danh xưng thường được sử dụng kết hợp với tên riêng của người đó thay vì với họ đệm/tên của cha. Ví dụ, Razak bin Osman sẽ được gọi là “Encik Razak” (Ông Razak), chứ không phải là “Encik Osman”.
Nếu muốn lịch sự hơn hoặc khi viết, người có thể sử dụng danh xưng kết hợp với tên đầy đủ của người đó. Ví dụ, “Encik Razak bin Osman” (Ông Razak bin Osman).
Danh xưng ‘Haji’ hoặc ‘Hajjah’ chỉ ra rằng người đó đã thực hiện Hành hương Haji tới Mecca. Ví dụ, ‘Haji Razak bin Haji Osman’ cho biết cả Razak và cha của ông, Osman, đã thực hiện Hành hương Haji.
Khi nhắc đến ai đó chỉ bằng một tên mà không có danh xưng, luôn luôn sử dụng tên riêng của họ. Gọi ai đó chỉ bằng họ đệm một cách lịch sự là không phù hợp, vì đó là tên riêng của cha họ.
Nếu một người có hai tên riêng, trong đó một trong số đó là ‘Muhammad’ hoặc ‘Abdul’, ‘Nor’ hoặc ‘Nur’ thường thì người ta sẽ gọi người đó bằng tên riêng còn lại. Ví dụ, một người đàn ông tên là ‘Muhammad Khidir bin Ali’ thường được gọi đơn giản là ‘Khidir’ hay một người phụ nữ tên là ‘Nur Arissa Farihah Binti Sazali’ thì sẽ thường được gọi là Arissa Farihah.
Trên đây là những thông tin liên quan đến tên gọi của người Mã Lai bản địa, hi vọng rằng những kiến thức thú vị này sẽ giúp ích cho anh chị em trong việc giao tiếp với bạn bè, đối tác Malaysia.
Bài viết có tham khảo và lược dịch bài gốc của tác giả Nina Evason, 2021
tại địa chỉ website: https://culturalatlas.sbs.com.au/malaysian-culture/malaysian-culture-naming#malaysian-culture-naming