Bánh xe cảm xúc – Vai trò và áp dụng thực tế

Phải thú nhận rằng hầu hết chúng ta ít nhiều đều đã từng rơi vào trạng thái “buồn vui lẫn lộn”, hay “khó diễn tả cảm giác của mình” hoặc “không biết gọi tên chính xác cảm xúc đó là gì”. Trên thực tế, cảm xúc của con người đa dạng hơn những chiếc emoji trên Facebook rất nhiều. 

Để thấu hiểu bản thân và xác định rõ cảm xúc của mình ở một thời điểm nào đó là cả một quá trình. Và trong quá trình này, bạn cần một trợ thủ đắc lực – bánh xe cảm xúc. 

Vậy bánh xe cảm xúc là gì?

Bánh xe cảm xúc là một hệ thống phân loại cảm xúc mà thông qua nó chúng ta có thể thấy rằng những cảm xúc khác nhau có thể kết hợp với nhau và tạo thành một cảm xúc khác. Tiến sĩ tâm lý học Robert Plutchik là người đã tạo ra một trong những phiên bản phổ biến nhất của bánh xe cảm xúc (wheel of emotion) vào năm 1980. 

Ông tin rằng mặc dù con người có khả năng trải nghiệm hơn 34.000 cảm xúc độc đáo nhưng có 8 cảm xúc chính, được sắp xếp và minh hoạ theo các cặp đối cực với nhau như sau: 

  • Vui vẻ đối cực với buồn bã (joy – sadness)
  • Giận dữ đối cực với sợ hãi (anger – fear)
  • Tin tưởng đối cực với ghê tởm (trust – disgust)
  • Ngạc nhiên đối cực với mong chờ (surprise – anticipation)

Bánh xe cảm xúc thực sự là một công cụ hữu ích trong việc giúp người dùng nhận ra và hiểu cảm xúc của mình và của người khác.

Ba yếu tố của bánh xe cảm xúc

1. Về màu sắc

Như đã đề cập, 8 cảm xúc chính bao gồm: vui vẻ, buồn bã, giận dữ, sợ hãi, tin tưởng, ghê tởm, ngạc nhiên, và mong chờ. Đây chính là những cảm xúc cơ bản của con người. Plutchik sắp xếp chúng vào vòng tròn thứ hai trong vòng tròn cảm xúc với mỗi màu sắc riêng biệt. Chẳng hạn, giận dữ mang màu đỏ còn vui vẻ mang màu vàng.

2. Các sắc thái

Có rất nhiều loại cảm xúc khác nhau được phát triển dựa trên 8 cảm xúc cơ bản. Bạn sẽ thấy rằng mức độ của cảm xúc được thể hiện bằng độ đậm nhạt của màu sắc tương ứng. Và càng di chuyển đến trung tâm bánh xe thì cường độ của cảm xúc càng mãnh liệt hơn.  

3. Mối liên hệ giữa các cảm xúc

Ta có thể dễ dàng tìm thấy các cặp cảm xúc đối lập nằm ở vị trí đối cực với nhau. Một điều thú vị là hai cảm xúc đứng cạnh nhau có thể kết hợp và tạo ra một cảm xúc mới. Chẳng hạn, tin tưởng và vui vẻ kết hợp lại tạo ra yêu mến (joy + trust = love). Tương tự, tin tưởng và sợ hãi kết hợp lại tạo ra quy phục (trust + fear = submission). Công thức này tạo ra đa dạng cảm xúc mà có thể trước giờ bạn đã trải qua nhưng không thể xác định chúng là gì. 

Vai trò của bánh xe cảm xúc 

1. Thấu hiểu cảm xúc của bản thân

Không ít lần chúng ta rơi vào trạng thái không thể gọi tên cảm xúc của mình nếu chỉ đơn giản là vui, buồn, giận dỗi thì chưa đủ.

Vậy điều gì sẽ xảy ra khi bạn không xác định được cảm xúc của mình là gì? 

Việc một ai đó không nhận thức, và lảng tránh cảm xúc của chính mình đã được chứng minh là rất có hại cho sức khoẻ về cả thể chất lẫn tinh thần.

Với những tính từ mang sắc thái đa dạng, bánh xe cảm xúc có thể giúp bạn xác định và diễn đạt những cảm xúc của mình bằng lời nói một cách dễ dàng hơn. “Kho từ vựng về cảm xúc” của chiếc bánh xe này giúp bạn khám phá sự phong phú trong cảm xúc của mình. Từ đó, dễ dàng gọi tên bất cứ cảm xúc nào trong trải nghiệm của bạn.

2. Kiểm soát, quản lý cảm xúc tiêu cực

Trong xã hội hiện đại đối mặt và xử lý cảm xúc tiêu cực là một trong những kĩ năng cần thiết. Điều quan trọng là xác định được nó và sau đó tìm cách xử lý.

Thông qua Bánh xe cảm xúc, hãy xác định cụ thể trạng thái mà bạn đang trải qua, cảm xúc tiêu cực đó có thể là gì trong số “chán nản, chán ghét, đau khổ, buồn bã,..”? Hãy gọi tên cụ thể những gì bạn cảm nhận. 

Mô hình này giúp bạn xác định gốc rễ của những cảm xúc, giúp bạn hiểu tại sao họ cảm thấy như vậy và xác định nguồn gốc cụ thể của cảm xúc. Sau đó bạn có thể tìm cách quản lý cảm xúc một cách hiệu quả. 

3.Nuôi dưỡng các mối quan hệ xung quanh

Bánh xe cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng, duy trì các mối quan hệ xã hội và tình cảm. Cụ thể:

  • Hiểu và biểu đạt cảm xúc một cách rõ ràng giúp người sử dụng giao tiếp hiệu quả hơn với người khác, tạo nên mối quan hệ tốt hơn và tăng khả năng tương tác tích cực.
  • Bánh xe cảm xúc giúp người trong mối quan hệ tình cảm hiểu rõ hơn về cảm xúc của đối tác, tạo sự đồng cảm, sự hiểu biết sâu hơn giữa các bên, đóng góp vào sự thăng tiến và bền vững của mối quan hệ.
  • Quản lý cảm xúc một cách tích cực và chủ động giúp xây dựng sự tin tưởng trong quan hệ. 

Cách áp dụng bánh xe cảm xúc

Dưới đây là chi tiết cách áp dụng bánh xe cảm xúc bạn có thể tham khảo:

  • Bước 1: Xác định 8 cảm xúc cơ bản trong vòng tròn thứ 2 và đoán định cảm xúc hiện tại của mình giống với loại nào nhất. 
  • Bước 2: Lấy một cảm xúc chính làm tâm, xác định các cảm xúc cụ thể liên quan (có thể có cường độ mạnh hoặc nhẹ dần) ở các cạnh phía ngoài và trong của vòng tròn 
  • Bước 3: Liên hệ với cảm nhận hiện tại của bản thân và định vị cảm xúc của bạn ở đâu trong số các cảm xúc vừa nhìn thấy. 
  • Bước 4: Ghi lại cảm xúc vừa phát hiện ra. Chia sẻ nó với bất cứ ai nếu bạn cảm thấy cần thiết và thoải mái. 
  • Bước 5: Tìm ra nguyên nhân dẫn đến cảm xúc đó (nhất là đối với cảm xúc tiêu cực). Học cách biết ơn nếu có điều gì đó làm bạn thấy vui và không để cảm xúc tiêu cực chi phối bạn. 

Sử dụng vòng tròn cảm xúc một cách hiệu quả, bạn có thể dễ dàng biết được bản thân sẽ cảm thấy ra sao trong một tình huống nhất định. Từ đó, kiểm soát cảm xúc dễ dàng hơn, lấy lại tinh thần sau những suy nghĩ tiêu cực. Thấu hiểu cảm xúc không chỉ đơn giản là có thể gọi tên một trạng thái của bản thân trong hoàn cảnh nào đó mà còn biết cách để “đối phó” với nó. Bánh xe cảm xúc của Plutchik sẽ giúp bạn đạt được điều đó. 

Related Posts