Book Review: The Four – Tứ Đại Quyền Lực

Tác giả: Scott Galloway

Dịch giả: Lương Trọng Vũ

        “Tứ đại quyền lực” là một quyển sách nói về sự thành công của bốn công ty nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay trong lĩnh vực truyền thông Marketing nói riêng và lĩnh vực kinh doanh nói chung: Amazon, Apple, Facebook và Google. Tác giả của cuốn sách là Scott Galloway, một giáo sư Marketing tại trường Đại học New York, đồng thời cũng là một người đã có rất nhiều kinh nghiệm về ngành truyền thông Marketing. Trong cuốn sách, ông đã viết rất sâu, rất kĩ về cách mà các ông lớn này đã từng bước đi đến thành công tột đỉnh, đã thu phục thân tâm của người sử dụng như thế nào; ưu khuyết điểm của họ, đồng thời hướng dẫn cho cư dân mạng cách sống chung và sử dụng dịch vụ của họ sao cho có lợi nhất cho mình. Tuy đây là một cuốn sách về chuyên ngành nhưng lại không hề khô khan, nó rất dễ hiểu và người đọc cũng rất dễ tiếp thu thông tin, tiếp nhận những vấn đề mà tác giả muốn đề cập tới. Khi cầm cuốn sách này trên tay, tôi lại cảm thấy mình như được tiếp thêm một nguồn tri thức dồi dào, tôi ngỡ như được tác giả mở mang tầm nhìn về những thứ tưởng như quá xa vời này. Thành công của bộ tứ, cũng như những phân tích sâu sắc của tác giả thật sự đem lại cho tôi rất nhiều suy ngẫm về truyền thông Marketing trong thời đại 4.0.

1, Amazon:

          Trước hết, ta đến với Amazon, một công ty được đánh giá là “danh giá nhất nước Mỹ”. Người điều hành của công ty này chính là Jeff Bezos, được biết đến là doanh nhân công nghệ người Mỹ. 

        Trước đó, thương mại điện tử từng làng nhàng và không đem lại nhiều lợi ích rõ rệt, nhưng chính Jeff Bezos đã nhìn thấy tiềm năng từ khía cạnh công nghệ. Khi Amazon – “cá mập trắng ở Seattle” xuất hiện, doanh thu của các trang quảng cáo nhanh xuống dốc đến thảm hoạ, giá cổ phiếu của các hệ thống cửa hàng bán lẻ cũng tuột dốc, đặc biệt ở giai đoạn 2006-2016 còn xuống mức âm. Ông lớn Walmart mới là người tiên phong “đầu têu” trong lĩnh vực bán lẻ, nhưng người thành công thật sự lại là Amazon. Sự thành công của Amazon là có lí do. Jeff Bezos đã dựa vào “môi trường ảo” để đem Amazon đến gần hơn với con người.            

           Năm 1995,  Amazon thả “con mồi” đầu tiên ra thị trường thương mại điện tử, đó chính là sách. Chẳng thông minh hay sao khi đây là một sản phẩm rất dễ nhận thấy, dễ mua và dễ tiêu hoá, và ông lớn này đã thành công mỹ mãn. Tất nhiên, cũng cần kết hợp với những dịch vụ tiện ích đi kèm: chọn lựa và giao hàng. Để dễ dàng hơn cho khách hàng chọn sản phẩm, Bezos còn chú trọng vào một ngành nghề mới nảy sinh – nghề tóm lược và bình phẩm về sách trên mạng, giúp độc giả nhận biết cuốn nào phù hợp với bản thân. 

            Những năm đầu, ông chỉ tập trung phân phối sách và một số mặt hàng đặc biệt khác. Thừa thắng xông lên, ông tiếp tục mở rộng lĩnh vực kinh doanh hơn với CD và DVD. Kết quả là đĩa nhạc CD của Susan Boyle – nhóm nhạc được yêu thích sau cuộc thi Britain’s Got Talent mùa thứ ba – “I Dreamed A Dream” đã bán được con số kỉ lục trên Amazon. 

            Không dừng lại ở đó, Amazon tiếp tục đưa ra một chiến dịch mới: Amazon Marketplace – cho phép bên thứ ba bán hàng trên Amazon. Như một lẽ dĩ nhiên, khái niệm đầy mới mẻ nhưng không kém phần sáng tạo, thông minh và táo bạo này đã giúp công ty thu về 40 tỷ dollar Mỹ, chiếm đến 40% doanh số của Amazon. Bezos Jeff đã đầu tư mạnh vào các “nhà kho tự động” với quy mô lớn mà không một cửa hàng bán lẻ nào có thể sánh kịp, cùng với đó là bắt tay hợp tác với rất nhiều đối tác làm ăn khác để mở rộng thị trường. 

            Cuối cùng, Amazon đã “bành chướng” hơn rất nhiều và bắt đầu kinh doanh mọi thứ. Bằng việc chú trọng vào lĩnh vực thương mại điện tử, “cá mập trắng ở Seattle” đã đánh bại các đối thủ một cách ngoạn mục, khiến những cửa hàng bán lẻ khác bị hạ đo ván. Để rồi cuối cùng Amazon ngồi chễnh chệ trên chiếc ngai vàng mang tên “công ty danh giá nhất nước Mỹ”.  

            Những công cụ, dịch vụ đi kèm của Amazon ngày càng xuất hiện dày đặc và gây ấn tượng tốt đẹp với khách hàng. Amazon trở thành “Hoàng tử bóng đêm” của ngành bán kẻ khi liên tục đưa ra những chiến lược mới mẻ, khiến đối thủ phải chạy dài theo mình. 

             Với châm ngôn “Thoải mái, tiện lợi, nhanh chóng”, Amazon đã gây dựng nên cả một đế chế hùng mạnh cho riêng mình trong thị trường bán lẻ. Hiện nay, trên trường quốc tế, ai ai cũng biết đến và tin tưởng sử dụng Amazon. Tôi có một người em là du học sinh tại Pháp, khi nói về mua sắm đồ đạc, cậu ta nói: “Ở bên đấy chỉ có lên Amazon là tiện.” Amazon đã chứng tỏ sức hút của mình khi mở rộng thị trường khắp nơi và tạo nên tên tuổi, gây dựng tiếng vang của thương hiệu. Thấu hiểu tâm lý người tiêu dùng, Amazon đã khiến khách hàng tin tưởng đến nỗi họ tự nguyện cung cấp những thông tin về trải nghiệm khi mua sắm và sử dụng những tiện ích. Để rồi công ty có thể rút kinh nghiệm và cải thiện những lỗ hổng mà khách hàng vẫn chưa hài lòng về mỗi lần mua sắm, sau đó càng phát triển và mang đến nhiều tiện ích mới mẻ hơn nữa. 

             Một cách thức thông minh nữa góp phần tạo nên sự thành công của Amazon: tiếp thị sản phẩm. Bezos lựa chọn cách tiếp thị bằng phương pháp kể chuyện, một cách thức vô cùng thông minh, có khả năng lan rộng đến mọi đối tượng. Ông còn đầu tư hàng chục, hàng trăm dollar cho việc phát triển và tiếp thị sản phẩm. Và trong thời đại công nghệ mới này, chính truyền thông là con đường trải hoa hồng giúp các công ty tiến được đến thành công. Có lẽ nhìn xa trông trộng được điều ấy, Bezos đã tạo nên sự hoàng kim cho mình.

             Theo Scott Galloway, Amazon là một công ty luôn luôn cầu tiến, luôn luôn chuyển mình thay đổi và tiếp thu cái mới. Họ sẵn sàng triệt tiêu những sản phẩm “chết” không đem lại lợi nhuận cho công ty, họ luôn luôn thử nghiệm nhiều cách khác nhau, cách nào không ổn đều loại bỏ ngay. 

             Và tôi nghĩ, chìa khoá vàng giúp cho Amazon chạm được tới đỉnh vinh quang không gì khác chính là sự TÁO BẠO. Thật vậy, “những thành công vượt bậc chỉ đến cùng với những rủi ro to lớn”. Tôi rất thích sự táo bạo của Amazon khi họ biết chấp nhận rủi ro. Tôi vô cùng tâm đắc với câu nói: “Tốt hơn hết là chọn cách thường xuyên dấn thân vào những nơi nguy hiểm.”, bởi người ta thường bảo, nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất. Amazon đã từng chi hàng tỷ dollar để rút ngắn thời gian giao hàng nhiều nhất có thể, và kết quả là đã bị lỗ nặng. Tôi biết, trước khi đạt được thành công lớn trong hiện tại, Amazon đã từng thất bại thảm hoạ trong những năm đầu thành lập. Nhưng chính thất bại ấy chính là nền tảng, là bước đệm cho thành công lâu dài trong tương lai xa. Quả thật, những người giành lại ánh hào quang mới là kẻ chiến thắng thật sự. Và từ ông lớn Amazon, tôi đã rút ra cho mình một bài học: sáng tạo đôi khi phải đi đôi với táo bạo. 

2, Apple:

          Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết đến hãng công nghệ Apple với logo quả táo quen thuộc nhưng không kém phần sang trọng, thanh lịch. Tôi cũng không nằm ngoài số đó, thậm chí tôi còn là một fan chính hiệu của hãng hàng điện tử công nghệ cao này. Tôi đã từng trải nghiệm sử dụng qua những chiếc điện thoại iPhone đời cũ nhất như 3g, 4s, 5s… cho đến những chiếc máy nghe nhạc iPod. Không thể phủ nhận, sản phẩm của Apple đều có sức hút mạnh mẽ đối với người tiêu dùng, từ vẻ ngoài sang chảnh cho đến hàng loạt tiện ích công nghệ trong mỗi sản phẩm. 

          Apple đã trải qua rất nhiều thăng trầm để có thể đến với thành công vang dội ngày hôm nay. Có thể nói, người quan trọng nhất làm nên đỉnh cao ấy không ai khác chính là Steve Jobs. Ông đã trở thành một huyền thoại của thế giới bởi sự thông minh, nhanh nhạy và sức sáng tạo đỉnh cao của mình. Nhưng Scott Galloway cũng nhắc đến sự dị biệt của Steve. Ông chảnh choẹ, tự cao tự đại, ông khiến công ty phát triển nhưng cũng là người “phá hoại công ty”, hay bắt nạt nhân viên…, ngay cả con gái ruột cũng không nhận và từ chối trợ cấp tiền. Để nói về Steve Jobs, tôi xin được mạn phép nhận xét: lắm tài nhiều tật! Nhưng người sáng lập này quả thật đã trở thành một vị thánh trong mắt những con nghiện công nghệ cao, và nhất là với cái chết bởi căn bệnh ung thư của ông. Tác giả Scott Galloway đã có những luận điệu hết sức chủ quan khi nói về “vị thánh sống” này: “Đã từng có người nhận xét rằng Steve Jobs là người đã tạo ra sự khác biệt có tác động đến cả thế giới. Tôi cho rằng không. Theo tôi, Steve Jobs là “cú bạt tai” vào thế giời này thì đúng hơn.” Tôi đồng ý một phần với quan điểm của ông, là bởi quả thật “Thế giới cần nhiều gia đình với những phụ huynh có trách nhiệm hơn, chứ không cần một cái điện thoại tốt hơn.” Nhưng cũng không thể phủ nhận hoàn toàn việc Steve Jobs đã tạo ra điều đặc biệt làm thay đổi cả thế giới này. Những gì ông đã gây dựng và đặc biệt là bộ óc siêu việt của ông đã thực sự khiến chúng ta choáng ngợp. 

              Mặc dù cái chết của Steve Jobs đã chấm dứt thời kì chạy đua sáng tạo lịch sử nhưng nó cũng đã tạo khái niệm tập trung lợi nhuận, hoạch định thị trường và quy mô công ty. Apple luôn tìm thấy nguồn cảm hứng từ người khác. Apple đã tự chuyển mình từ một công ty công nghệ bình thường thành một công ty hạng sang. Steve Jobs trau chuốt cho thiết kế của các sản phẩm từ vỏ ngoài cho đến kết cấu bên trong. Bằng thủ công tinh xảo, thiết kế mộc mạc nhưng tinh vi, Apple đã gây dựng nét đặc biệt riêng, tạo cho mình độ nhận diện và tiếng vang không tưởng. Apple còn đội giá sản phẩm đến trên trời, dựa trên những quan điểm phi lý, đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Đây là một sự kết hợp giữa bản năng nhu cầu vượt lên khả năng hiện tại, và cảm giác đến gần với sự hoàn hảo thường kích thích con người ta. Chính điều ấy đã làm thương hiệu này trở nên thu hút đối với bản năng tính dục, bản năng chinh phục của con người, đặc biệt là với phái mạnh. Họ chấp nhận hi sinh để có cơ hội gây ấn tượng và luôn khao khát hướng tới sự hoàn thiện để khẳng định đẳng cấp. Đây là một quan điểm hết sức đúng đắn của Scott Galloway!

             Không dừng lại ở đó, chiến lược kinh doanh đặc biệt của Apple: tạo tình trạng khan hiếm cũng chính là điều đặc biệt giúp cho công ty tăng được lợi nhuận. Đi kèm với đó là chiến lược tiếp thị phân khúc hạng sang. Tôi rất thích cách Scott so sánh Apple với Louis Vuitton qua hai người sáng lập tài ba của hai thương hiệu này. Tưởng chừng hai công ty này chuyên về những lĩnh vực khác hoàn toàn nhau nhưng lại rất giống nhau về cách gây dựng tiếng tăm. Tác giả đã nhận ra rằng Apple nhắm mục tiêu vào hội nhà giàu sang chảnh, những người thường có “hiệu ứng bầy đàn”, đua đòi theo trend và cả tính sĩ diện cao của con người. Có lẽ bởi thế mà quyết định chuyển từ công ty công nghệ thường thành một nhãn hiệu hạng sang là một lối đi đúng đắn, tạo lợi nhuận cao cho công ty và khẳng định tên tuổi của mình. 

             Như vậy, xét cho cùng thì Apple là công ty có khả năng trường tồn lâu dài nhất. Và tôi đặc biệt thích cách tác giả hình dung về một trường đại học gồm toàn những ngành học sáng tạo mà Apple nên đầu tư. Trong tương lai, nếu điều đó trở thành sự thực, tôi nghĩ đó mới là một thời bùng nổ thật sự của Apple. 

3, Facebook:

              Tôi tin là trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, mạng xã hội đã dần chiếm lấy một phần trong cuộc sống mỗi chúng ta. Hàng loạt những ứng dụng điện thoại thông minh ngày càng xuất hiện nhiều hơn và trở nên sáng tạo, tiện lợi hơn. Nhưng Facebook mới là người nằm trong bốn bộ tứ quyền lực nhất thế giới. Thời còn là sinh viên năm nhất, khi tham gia các buổi học chính trị đầu năm, khi được nghe hỏi rằng trong hội trường có ai không dùng Facebook không, tôi không thấy bất ngờ khi số lượng cánh tay giơ lên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này cũng một phần chứng minh về độ phổ biến đến kinh ngạc của Facebook trên toàn cầu. Và Scott Galloway đã viết rất hay về sự ảnh hưởng của ông lớn này. 

               Để tạo nên thành công, Facebook đã tạo ra sự “thèm thuồng” và lan rộng mức độ nhận biết. Scott Galloway cho thấy Zuckerberg đã thấu hiểu tâm lý con người thế nào khi phát triển một trang mạng xã hội giúp thai nghén những ước muốn. Ông lớn này còn có khả năng tiếp thị vừa trên diện rộng, vừa ở phân khúc tập trung, một phương pháp làm truyền thông rất hiệu quả. Thành công vang dội của họ hiện nay đã chứng minh cho ta thấy điều ấy. 

               Facebook đã kinh doanh rất tốt. Họ kiếm tiền nhờ cung cấp thông tin dựa trên hành vi liên quan đến cá nhân trên trang của người dùng cho các công ty quảng cáo khác. Facebook luôn phân tích dữ liệu từ người dùng để bắt đầu cho những chiến dịch quảng cáo. Một người bạn của tôi nói cô ấy cảm giác như mình đang bị theo dõi khi Facebook hiện lên quá nhiều thông tin về sản phẩm mà hôm trước cô ấy mới tìm kiếm. Nhưng kết quả là gì? Cô ấy vẫn lờ đi và tiếp tục sử dụng Facebook. Đơn giản chỉ là vì “người người, nhà nhà, ai ai cũng dùng cả” và nếu không dùng thì cô ấy có cảm giác mình đang bị “tụt lại phía sau”. Họ còn hiểu chúng ta hơn cả bạn bè chúng ta, họ ghi lại một bức tranh sống động về chúng ta theo cái cách mà chúng ta tự vẽ nên. Facebook luôn cam đoan rằng những dữ liệu phân tích đó chỉ là để phục vụ người dùng tốt hơn bằng cách tối ưu hoá nội dung mà người dùng quan tâm, chia sẻ, nhưng theo tôi thấy họ đã xâm nhập khá sâu vào vấn đề quyền riêng tư của chúng ta. Đồng ý với tác giả Scott Galloway rằng ta không thể bàn cãi quá nhiều về vẫn đề này vì chính chúng ta là những người đã phơi bày bản thân trên trang mạng xã hội, nhưng tôi nghĩ điều này nên được mọi người quan tâm rộng rãi hơn. Đặc biệt là sau vụ kiện làm rò rỉ dữ liệu người dùng Facebook ở California sau bê bối Cambridge Analytica khiến hơn 87 triệu tài khoản bị rò rỉ vào năm 2018.

               Facebook là công cụ để kết nối và yêu thương. Trang mạng xã hội này đem đến cho con người những mối quan hệ – nhu cầu thiết yếu – và khiến chúng ta gần nhau hơn. Thực tế cho thấy Facebook mang đến cho con người sự cảm thông, sẻ chia và cảm giác được quan tâm. Điều ấy khiến người dùng trẻ trung, sảng khoái, hạnh phúc và yêu đời hơn. Facebook tỏ ra là một người “luôn lắng nghe và thấu hiểu” khi họ chiếm rất nhiều niềm tin từ người sử dụng. 

                Hiện tại, Facebook đang dần nuốt chửng lấy dữ liệu của chúng ta. Họ đã có tầm ảnh hưởng và mức độ phủ sóng toàn cầu. Công ty này trở thành ước mơ làm việc của tất cả mọi người, và đặc biệt thu hút những người giỏi nhất, thông minh nhất. Ông lớn này rất đáng khen ở chỗ, họ có khả năng điều chỉnh các chức năng để thích ứng với thị trường. Việc nhanh chóng khai sinh rồi khai tử các chức năng khiến họ trở thành một công ty sáng tạo bậc nhất. Scott còn ca ngợi họ bởi việc nhanh chóng phản hồi từ người sử dụng và chính phủ liên bang. 

                Facebook đã vẽ ra viễn cảnh xa vời về thế giới thực tế ảo trong tương lai và được nhận định là một cơ hội kinh doanh to lớn. Nhưng Scott Galloway phân vân không biết đây đầu tư sai lầm của Mark Zuckerberg hay chỉ là lôi kéo sự chú ý của ngành công nghệ vào một lĩnh vực phù phiếm để tiêu hao năng lượng. 

                Điều đặc biệt là Facebook không thích được gọi là một công ty truyền thông. Tác giả cho rằng có hai lí do chủ yếu cho vấn đề này. Thứ nhất, cổ phiếu của công ty truyền thông thì thường không được đánh giá cao. Thứ hai, là do sự bất tương xứng giữa trách nhiệm và lợi nhuận. Về lí do thứ hai, có thể hiểu là báo chí thì luôn luôn phải khách quan, nhưng Facebook lại luôn luôn “cố gắng che giấu sự tham lam đằng sau thái độ minh bạch”. Tức là ông lớn này luôn cố gắng vươn tới nguồn lợi nhuận cao mà không quan tâm đến vấn đề trách nhiệm. Tác giả chỉ ra cho ta thấy, sứ mệnh của Facebook là kiếm tiền, câu view, câu like. Sự nguỵ trang, tỏ ra minh bạch làm cho Facebook nguy hiểm hơn. Họ lờ đi những chỉ trích bằng cách tự gọi mình là “nền tảng công nghệ”. Chính chúng ta đang bị Facebook lợi dụng về quyền tự do ngôn luận. Họ kiểm soát và  biến truyền thông thành công cụ của riêng mình.

                Cuối cùng, ta không thể nhận định thằng thừng là Facebook tốt hay xấu. Sự thoái thác trách nhiệm của họ đe doạ ngành truyền thông chính thống. Nhưng dù sao đi nữa, ta không thể phủ nhận là họ có cơ hội lớn để trở thành một công ty truyền thông lớn nhất thế giới. Và chúng ta, những người dùng Facebook hãy thật thận trọng vì chúng ta đều có thể bị lợi dụng bất cứ lúc nào. Hãy thật khôn ngoan và tỉnh táo!

4, Google:               

                Không cần phải bàn cãi nhiều, có thể khẳng định, Google hiện là trang web – phương tiện mà mọi người đều sử dụng. Hãy tự hỏi bản thân, mỗi lần bạn muốn tìm kiếm thông tin về một điều gì, Google là điều đầu tiên hiện lên trên ý nghĩ của bạn phải không? Hãy thành thực trả lời câu hỏi này. 

                Scott Galloway thậm chí còn gọi Google là một tôn giáo. Tự cổ chí kim, con người đã luôn luôn muốn biết, muốn hiểu. Tri thức giống như một đại dương bao la mà con người muốn khám phá, tìm tòi. Và “Google có thể trả lời tất cả các câu hỏi”, điều duy nhất ta cần làm chỉ là truy cập Internet và nhấp chuột vào ô tìm kiếm. Google được coi như là một vị thánh thời hiện đại, là bậc thầy của phương pháp truyền cảm hứng cho người khác. Nhưng Google hơn thánh thần ở chỗ, Google luôn luôn hồi đáp lại câu hỏi của người khác. Bằng thuật toán bí hiểm, Google tập hợp được tất cả những thông tin hữu dụng cho chúng ta mỗi khi cần. Có lẽ bởi vậy mà người dùng luôn đặt niềm tin gần như tuyệt đối vào ông lớn này. 

              Cả 4 tứ đại này đều không phải là người khởi xướng hay tiên phong đi đầu trong các lĩnh vực mà họ đang phát triển hiện giờ. Trước Google đã có trang web Ask.com hay Overture đi trước trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin, dữ liệu. Nhưng Google thành công nhất, một phần là bởi họ tạo được niềm tin với nhân loại, để rồi trở thành “cuốn kinh thánh mà giáo dân tìm thấy chân lý ở đó”. Mối quan hệ niềm tin đã được hình thành và tồn tại trong cả một thế hệ. Lí do người ta tin tưởng Google đến vậy có lẽ là vì họ luôn công bằng, minh bạch trong chi phí quảng cáo. Họ luôn giữ cho trang chủ tìm kiếm thật sạch sẽ. 

                Cũng giống như Facebook, Google hút lợi nhuận từ việc thu thập dữ liệu của người dùng và cung cấp cho các công ty quảng cáo. Nhưng còn hơn thế, Google biết dự đoán tương lai. Họ có thể đoán được từ các dấu hiệu vụ án, bệnh tật cho đến giá chứng khoán. Scott Galloway còn cho rằng Google biết chúng ta nghĩ gì trong đầu. Họ là bậc thầy kiểm soát đích thực với châm ngôn “hướng tới công nghệ”. Độc đáo ở chỗ, Google không những biết ta đã làm gì mà còn đoán được ta dự định làm gì. 

                New York Times được gọi là “ông bụt của ngành báo in”, nhưng Google lại là thánh thần thời hiện đại. Tác giả chỉ ra cho chúng ta thấy rằng Google đe doạ toà báo này thế nào bằng chính những trải nghiệm thực tế của ông dưới nhiệm kì làm việc cho thời báo. Google đã ngang nhiên chui vào tầng hầm và máy chủ của New York Times để lấy nội dung báo chí của thời báo, sau đó cắt ghép và đăng kèm quảng cáo để thu lời cho mình. Scott nhận xét, Google khôn ngoan ở chỗ họ biết cách biến những tin tức quý giá thành tiền. Và toà New York Times sau bao nỗ lực đấu tranh vẫn phải ngậm ngùi cho phép Google tiếp tục trích xuất link trang chủ của mình. Hiện nay, Google và New York Times lợi dụng lẫn nhau, nhưng Google lại chiếm ưu thế vì cách hành xử như một lãnh chúa trên vùng đất đã được cát cứ trên Internet. 

               Tóm lại, Google đã rất thành công khi trở thành một công cụ cho toàn thể công chúng – dưới hình thức một dịch vụ công. Thậm chí Google còn trở thành một động từ: “Google đi!” khi chúng ta muốn sử dụng và tìm kiếm thông tin trên trang web này. 

               Hiện nay, Google đã thống trị thị trường và phủ sóng toàn cầu. Scott Galloway nhận định, Google lẽ ra chỉ là một sản phẩm kiếm ra tiền, nhưng họ đã làm thay đổi cả thế giới và chỉ toàn làm những điều đúng. Google luôn nêu cao khẩu hiệu suông: “Đừng làm kẻ xấu.” nhưng tác giả cho rằng, đằng sau vẻ đáng yêu ấy là chiến lược đầy tham vọng: sắp xếp toàn bộ thông tin của thế giới. Google còn biết cách kiểm soát thông tin để ngăn cản đối thủ. Và tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả rằng trong tương lai, Google hoàn toàn có thể tiếp tục phát triển. 

                Không chỉ dừng lại ở bốn cái tên khổng lồ, tác giả mở rộng bức tranh, mang đến cho người đọc một cái nhìn toàn cảnh bằng cách điểm mặt những cái tên khác như Netflix, Alibaba, Uber và những thương hiệu từng làm mưa làm gió một thời như IBM, Microsoft…

_______________________

                Vậy là sau khi đọc xong cuốn sách, tôi nhận thấy Apple, Amazon và Facebook giờ đây không còn là Tứ Kỵ Sĩ đại diện cho bốn yếu tố sống còn của con người – Chúa Trời, Tình Yêu, Tình Dục và Tiêu Dùng, mà dần trở thành mối đe doạ với những khủng hoảng. “Tứ Đại Quyền Lực” dẫn dắt người đọc vào những câu hỏi đanh thép: “Tại sao bốn tập đoàn này có thể tập hợp quá nhiều quyền lực? Tương lai của doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ thay đổi thế nào trong thời đại công nghiệp mới? Bốn gã khổng lồ này sẽ bị thay thế bởi những đối thủ trẻ mạnh hơn hay ngày càng bùng nổ và thâu tóm quyền lực?” – những câu hỏi này độc giả chỉ có thể tự trải nghiệm, cảm nhận và đánh giá sau khi đọc cuốn sách. 

Related Posts