UX là từ viết tắt của User Experience – 1 khái niệm nói về trải nghiệm của người dùng đối với bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào. Đối với phần mềm, UX là toàn bộ quá trình người dùng tương tác với hệ thống. UX design chính là quá trình thiết kế lên sản phẩm với trọng tâm là người dùng của hệ thống.
Khi nghe thấy từ “Design” chắc hẳn trong đầu mọi người sẽ nghĩ tới giao diện, màu sắc, việc vẽ vời …. Vậy liệu 1 BA – người chuyên phân tích nghiệp vụ của hệ thống có cần phải biết UX design không? Và nếu cần thì là cần gì? Cùng tìm hiểu với mình trong bài viết dưới đây nhé!
1. UX Design cụ thể là làm gì?
Không giống như mọi người vẫn nghĩ khi nghe thấy từ “Design”, công việc của 1 UX Designer có thể được chia thành 3 vị trí cụ thể là Interaction Designer, Visual Designer và Motion Designer. Mỗi vị trí sẽ phụ trách 1 công việc cụ thể trong quy trình thiết kế UX của sản phẩm.
Interaction designer
Interaction designer là người tập trung vào thiết kế luồng sản phẩm, việc tương tác giữa người dùng và hệ thống. Họ không quan tâm tới tính thẩm mĩ của hệ thống, cái họ quan tâm là tính năng sẽ hoạt động như thế nào. Họ sẽ cố gắng để làm cho sản phẩm dễ điều hướng và đơn giản đối với người dùng.
Interaction designer thường làm việc với những câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu người dùng nhấn vào button này? Làm thế nào để người dùng hoàn thành được hành động này một cách dễ dàng nhất? Các thành phần của sản phẩm nên được bố cục như thế nào?
Visual designer
Visual designer hay cũng có thể gọi là UI designer. Họ là những người tập trung vào việc sản phẩm sẽ trông như thế nào. Các yếu tố như logo, màu sắc, phông chữ, kích cỡ … đều thuộc trách nhiệm của visual designer.
Motion designer
Cuối cùng là motion designer, là những người tập trùng vào cảm nhận của người dùng khi di chuyển qua các màn hình của sản phẩm và tạo ra các chuyển động mượt mà giữa các trang, các màn hình trên hệ thống.
Công việc của một motion designer thường trả lời các câu hỏi như: Hệ thống nên chuyển đổi giữa các trang như thế nào? Làm thế nào để thể hiện sự liên kết giữa những hành động này? …
Mối liên hệ giữa UX designer và BA
Trong những công ty lớn với 1 team UX design độc lập, BA thường làm việc với các Interaction designer để cùng tạo ra luồng vận hàng của sản phẩm để vừa đảm bảo được yêu cầu nghiệp vụ, vừa đảm bảo được sự tương tác đối với người dùng. Tuy nhiên, xu hướng hiện tại đang dần gộp 2 vị trí này thành 1 do BA và Interaction designer đều cần những tố chất gần giống nhau như thấu hiểu được nhu cầu và hành vi của người dùng, hiểu được luồng của hệ thống….
Đối với những công ty nhỏ hơn, hay như tại Eco, công việc của BA hiện tại cũng đang bao gồm cả công việc của 1 Interaction designer.
Vậy có thể thấy, cho dù là để phục vụ công việc hiện tại hay phát triển trong tương lai thì UX design vẫn là 1 kiến thức mà BA cần phải biết.
Tuy nhiên UX design là 1 lĩnh vực rất rộng, BA cần phải biết những gì trong đó để phục vụ cho công việc của mình? Trong phạm vi bài viết này, mình xin chia sẻ 1 kiến thức cơ bản về UX design mà mình nghĩ chắc chắn BA cần phải biết. Đó là cách để đánh giá 1 bản thiết kế UX đã đủ tốt hay chưa. Cùng tìm hiểu ở phần 2 nhé ^^
2. Thế nào là 1 UX design tốt?
UX design tốt rất dễ để nhận biết thông qua việc sử dụng và cảm nhận nó, tuy nhiên, lại rất khó để xác định. Thế nào là 1 UX design tốt? Việc dễ sử dụng, cấu trúc dữ liệu hay tính năng quyết định sản phẩm có 1 UX tốt?
Để đánh giá 1 bản UX design, chúng ta cần xem xét dựa trên cả 4 yếu tố đó là tính dễ sự dụng, tính công bằng, sự thú vị và tính hữu dụng.
Tính dễ sử dụng
Một thiết kế dễ sử dụng là thiết kế mà ở đó cấu trúc, mục đích của sản phẩm được thể hiện rõ ràng và dễ dàng để người dùng sử dụng.
Có thể đánh giá tính dễ sử dụng của 1 thiết kế bằng cách trả lời những câu hỏi như: Mọi thứ trong bản thiết kế có dễ dàng để nhìn thấy hay không? Chức năng của sản phẩm có dễ hiểu hay không? Với thiết kế đó người dùng có dễ dàng hoàn thành mục đích của họ hay không?
Tính công bằng
Tính công bằng trong UX thể hiện ở chỗ nó đáp ứng được nhu cầu của người dùng không phân biệt hoàn cảnh, giới tính, quốc gia hay khả năng. Một số tính năng thể hiện tính công bằng này có thể kể đến như tính năng thay đổi ngôn ngữ, tính năng responsive theo tỉ lệ màn hình của người dùng, có nhiều cách thể hiện các nhau cho cùng 1 đối tượng ….
Có thể đánh giá tính công bằng của 1 thiết kế bằng cách trả lời câu hỏi: Thiết kế có giải quyết được vấn đề của nhóm khách hàng ít tính đại diện hơn không? Thiết kế có đáp ứng được nhu cầu của 1 nhóm khách hàng đa dạng không?
Sự thú vị
Sự thú vị giúp mang lại cảm xúc tích cực cho người dùng khi sử dụng dịch vụ sản phẩm. Sự thú vị không phải là yếu tố bắt buộc, tuy nhiên việc bổ sung thêm các thành phần thú vị vào UX cũng góp phần đáng kể vào việc tăng trải nghiệm người dùng.
Có thể đánh giá 1 thiết kế có thú vị hay không bằng cách trả lời câu hỏi: Có điểm nào trên thiết kế tính đến cảm xúc của người sử dụng chưa? Thiết kế có làm cho người dùng thích thú hay không? Thiết kế có thu hút người dùng tham gia trong suốt quá trình hay không?
Tính hữu dụng
Rõ ràng 1 sản phẩm tốt là 1 sản phẩm có thể giải quyết được vấn đề của người sử dụng. Nói cách khác, 1 thiết kế tốt cần giúp người dùng đạt được mục đích mà họ mong muốn. Cần lưu ý là, 1 thiết kế dễ sử dụng không có nghĩa là nó hữu dụng và ngược lại. Vì vậy cần cân bằng giữa 2 yếu tố này.
Để đánh giá tính hữu dụng của thiết kế, có thể trả lời câu hỏi: Thiết kế có giải quyết được vấn đề của người dùng hay không? Thiết kế có mang lại thêm giá trị nào cho người dùng không? Thiết kế có giúp người dùng đạt được mục tiêu của họ không?
Bằng việc bám theo 4 yếu tố trên, BA có thể đánh giá được bản thiết kế UX mà mình hoặc designer tạo ra đã đủ tốt hay chưa, và cần bổ sung thêm gì thể hoàn thiện bản thiết kế.
Mong rằng bài viết này sẽ giúp các bạn BA có thêm kiến thức về lĩnh vực UX design và tầm quan trọng của nó. Xin chào và hẹn gặp lại ^^