Collected by SonLH
Trong thời đại công nghệ số, chúng ta rất dễ bị phân tán sự tập trung, đồng thời có thói quen trì hoãn. Điều này ảnh hưởng không tốt đến công việc của bạn.
Thói quen trì hoãn đang ngày càng gia tăng hiện nay, khi mỗi lần bắ tay vào công việc, chúng ta lại loay hoay với những thứ linh tinh như kiểm tra email, xem video, lướt mạng xã hội. Điều này làm lãng phí thời gian và khiến những nhiệm vụ quan trọng của bạn không được hoàn thành tốt. Đây là một thói quen xấu kìm hãm sự phát triển của bản thân.
Vì vậy, đừng để sự trì hoãn kiểm soát cuộc sống của bạn.
1. Chia công việc thành những phần nhỏ
Một trong những lý do khiến chúng ta hay trì hoãn là cảm thấy công việc đó quá sức với bản thân. Vì vậy, hãy thử chia dự án bạn đang thực hiện thành từng phần nhỏ cho đến khi bạn cảm thấy dễ dàng và bản thân được thôi thúc phải làm việc ngay lập tức.
Ví dụ, bạn đang muốn viết một cuốn sách. Thoạt tiên, dự định này có vẻ khiến bạn choáng ngợp và không biết bắt đầu từ đâu. Dựa theo cách chia nhỏ công việc bạn cần thực hiện như sau:
– Tìm hiểu, nghiên cứu đề tài bạn muốn viết
– Quyết định chủ đề
– Lên dàn ý, cấu trúc
– Soạn thảo nội dung
– Viết chương 1, 2,…
– Chỉnh sửa
Trong từng mục, bạn có thể tiếp tục chia nhỏ và tập trung hoàn thành chúng mà không quá đặt nặng về tổng thể mục tiêu. Bạn sẽ kinh ngạc khi thấy mọi thứ được hoàn thiện hiệu quả hơn rất nhiều.
2. Thay đổi không gian làm việc để tránh trì hoãn
Môi trường làm việc thường sẽ có tác động đến năng suất của bạn. Hãy xem xét khi nhìn vào bàn làm việc, chúng có khiến bạn muốn thực hiện dự án hay chỉ mong ôm gối và ngủ. Nếu gặp vấn đề này, bạn nên xem xét thay đổi không gian.
Một điểm nhỏ cần lưu ý là một môi trường từng khiến bạn đầy hứng khởi lúc trước cũng có thể nhàm chán sau một thời gian. Khi đó, bạn nên xem xét thay không gian ấy.
Ngoài ra, để tránh trì hoãn, bạn cũng cần loại bỏ các yếu tố gây phiền nhiễu khỏi môi trường làm việc. Ví dụ, bạn có thể chuyển điện thoại qua chế độ “Không làm phiền”, hoặc đặt nó vào ngăn kéo, tắt thông báo, tin nhắn gây xao nhãng để giúp tăng khả năng tập trung.
3. Tạo một timeline chi tiết với từng mốc thời hạn cụ thể
Nhưng thường rằng, không ai muốn bắt tay vào làm ngay một dự án vì cảm thấy bản thân còn nhiều thời gian. Đây chính là yếu tố khiến nhiều người luôn bị “deadline dí”.
Giải pháp ở đây là ngoài việc bạn chia nhỏ công việc như đã nêu ở trên, thì hãy đặt timeline cụ thể cho từng nhiệm vụ. Khi có các cột mốc thời gian chặt chẽ, bạn sẽ biết mình cần phải hoàn thành chúng để tránh khối lượng công việc bị dồn vào những ngày sau đó.
4. Loại bỏ những nguyên nhân gây trì hoãn
Nếu bạn thường xuyên chậm trễ công việc, thì khả năng cao là những thói quen hằng ngày khiến việc trì hoãn dễ dàng xuất hiện.
Bạn cần xác định một số nguyên nhân gây ra sự chậm trễ như các ứng dụng, trình duyệt không cần thiết cho công việc đang chiếm nhiều thời gian sử dụng, hoặc có nhiều tin nhắn gây xao nhãng,.. Sau đó, hãy tìm cách loại bỏ chúng trong quá trình tập trung làm việc.
Một số người hơi cực đoan khi xóa hoặc vô hiệu hóa các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Instagram,…. Nhưng nếu chúng giúp bạn giải quyết sự trì hoãn và nâng cao ý thức hành động cho bản thân thì hãy cứ tiếp tục thực hiện điều đó.
5. Tránh cân nhắc quá nhiều những vấn đề nhỏ
Việc xem xét nên và không nên làm gì, hôm nay có nên tập gym hay không, mặc bộ đồ này hay chọn món đồ kia,… Những vấn đề nhỏ, đơn giản này khiến bạn mất tự chủ, mệt mỏi và là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trì hoãn.
Bạn cần lên kế hoạch mọi thứ từ hôm trước hoặc xây dựng chúng thành các thói quen hàng ngày để bản thân không cần phải cân nhắc trước khi thực hiện. Việc này tuy đơn giản nhưng đem lại hiệu quả rất cao để bạn có thể tập trung năng lượng thực hiện các nhiệm vụ lớn hay các dự án quan trọng.
6. Lên kế hoạch trước mỗi ngày để tránh trì hoãn
Một trong những cách tốt nhất để tránh trì hoãn là lên kế hoạch trước cho mỗi ngày. Điều này giúp bạn biết được mục tiêu quan trọng cần phải thực hiện và hoàn thành chúng.
Ví dụ, mỗi tối trước khi ngủ, bạn viết thời gian biểu của mình cho ngày hôm sau như:
– Việc quan trọng cần hoàn thành trong ngày hôm đó. Đó có thể là các dự án, nhiệm vụ trong công việc hoặc các mục tiêu lớn trong cuộc sống.
– Thói quen hàng ngày, không thay đổi của bản thân: tập thể dục, đi bộ, thiền, đọc sách (đưa ra thời gian cụ thể như đọc sách 30 phút), dành thời gian trò chuyện với những người bạn yêu thương.
7. Làm rõ lại các mục tiêu của bản thân
Nếu bạn đã trì hoãn một vấn đề nào đó trong thời gian dài, điều đó có thể phản ánh sự sai lệch giữa điều bạn muốn và điều bạn đang làm. Bạn nên dành thời gian để tìm hiểu lại về bản thân. Chính xác thì bạn muốn đạt được điều gì và làm sao để có được nó? Công việc hiện tại có phù hợp với mong muốn phát triển của bạn? Nếu không, bạn có thể làm gì để thay đổi điều đó?
Thông thường, chúng ta phát triển theo những mục tiêu và khám phá thêm về bản thân. Vì vậy khi có những dự định không phù hợp, chúng ta thường không hứng thú và trì hoãn chúng.
8. Ngừng phức tạp hóa mọi thứ
Bạn đang chờ một thời điểm hoàn hảo để bắt đầu làm điều này, thực hiện điều kia? Bạn cho rằng hiện tại không phải thời điểm thích hợp vì những lý do x, y, z. Suy nghĩ đó khiến bạn trì hoãn những việc đáng lý ra cần thực hiện, trong khi việc bạn cần làm là bắt tay ngay vào thực hiện chúng.