TƯ DUY PHẢN BIỆN CÓ THỰC SỰ CẦN THIẾT VÀ QUAN TRỌNG KHÔNG?

Tư duy phản biện là một cụm từ mà mình nghĩ là hầu hết các bạn đều đã từng nghe qua rồi nhỉ?

Theo mình thấy, tư duy phản biện là một kĩ năng quan trọng và rất cần thiết hiện nay, dù là trong học tập, công việc hay trong đời sống thường ngày.

Bời vì kỹ năng tư duy phản biện sẽ giúp bạn hiểu, cũng như giải quyết các tình huống dựa trên các dữ kiện và thông tin có sẵn một cách hiệu quả và chính xác hơn.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng kỹ năng tư duy phản biện vào các công việc liên quan đến xử lý và sắp xếp các dữ kiện, dữ liệu và thông tin khác để xác định vấn đề và đưa ra các giải pháp hiệu quả.

Trong cả những hoạt động hàng ngày, tư duy phản biện cũng đóng một vai trò quan trọng giúp bạn phân biệt đúng sai, đánh giá tốt hơn các thông tin mà mình tiếp nhận. Vậy thì tư duy phản biện là gì?

I. Tư duy phản biện (Critical Thinking) là gì?

Tư duy phản biện, hay còn gọi là Critical Thinking. Có nhiều cách khác nữa để định nghĩa và giải thích về kĩ năng này, nhưng bạn có thể hiểu một cách đơn giản về tư duy phản biện như sau:

Đó là khi bạn tiếp nhận một thông tin nào đó, bạn phân tích, đánh giá và có những quan điểm, lập luận của riêng mình về vấn đề đó, chứ không phải chỉ tiếp thu một cách thụ động, hay tiếp nhận tất cả những gì người khác nói rồi cho rằng tất cả đều đúng.

Bên cạnh đó, khi đọc hay nghe các thông tin, bạn sẽ tự đặt ra các câu hỏi, cũng như thắc mắc của riêng mình về những điều mà bạn vừa tiếp nhận.

Ví dụ như khi bạn đọc bài giải của một bài toán nào đó, bạn có thể có những câu hỏi như còn cách giải nào khác không? Đây có phải là cách giải ngắn nhất hay chưa? Nếu mình giải từ hướng khác thì kết quả có giống nhau không?

Hay như là khi bạn nghe đâu có các câu kiểu như: “Làm lụng cả đời không bằng tiền lời lô đất” bạn cũng phải đặt ra câu hỏi là tại sao họ lại nói như vậy, liệu câu nói này có đúng không? và đúng trong hoàn cảnh nào…

Vậy nên, tư duy phản biện là việc bạn suy xét, phân tích và đánh giá về các thông tin bạn nhận được, trước khi tiếp nhận nó hoàn toàn.

Hay đôi khi, không cần phải để phân biệt đúng sai, mà đơn giản việc đặt ra các câu hỏi là để đào sâu, để hiểu rõ hơn về vấn đề, cũng như xem xét xem có cách nào có thể giải quyết vấn đề được hiệu quả hơn hay không.

Tuy nhiên, bạn đừng nhầm lẫn giữa tư duy phản biện với việc chỉ trích, đánh giá mang tính cá nhân hay cố tình bới móc, tìm kiếm những điểm sai như kiểu bới lông tìm vết. Đó không phải là tư duy phản biện nhé các bạn

Chẳng hạn như khi đọc một bài phân tích của một tác giả, bạn nên đánh giá chúng dựa trên các kiến thức có cơ sở, lý luận logic, chứ không nên phán xét theo theo kiểu: “Ý tưởng này thật vô lý”, “Mình thấy nó chẳng có gì hay, những điều này không đúng”…

Tóm lại, chúng ta nên nhận xét mọi thứ một cách khách quan, có cơ sở, chứ không phải là những ý kiến chủ quan, mang tính tiêu cực như chỉ trích, phán xét nhé.

Nếu bạn không đồng ý chỗ nào, hãy phân tích cho mọi người thấy và hãy thuyết phục mọi người bằng những lý luận sắc bén của bạn, chứ không nói kiểu bâng quơ được.

II. 5 kĩ năng phổ biến và quan trọng trong tư duy phản biện

tu-duy-phan-bien-la-gi (3)

#1. Kĩ năng quan sát

Đây là bước đầu và cũng là bước quan trọng trong quá trình tư duy phản biện.

Chúng ta có thể rèn luyện và tăng khả năng quan sát bằng cách cố gắng xử lý các thông tin nhanh hơn, và để ý đến những điều xung quanh nhiều hơn.

Nếu như bình thường bạn không hay dành thời gian, sự chú ý đến mọi thứ xung quanh thì bạn nên thử xem sao?

Chẳng hạn như bạn tập quan sát những điều diễn ra xung quanh mình, tập cách lắng nghe người khác nhiều hơn, bên cạnh đó, bạn cũng nên dành thời gian suy nghĩ, suy ngẫm về những điều mình chưa hiểu rõ hay những việc bạn muốn biết.

Mình nghĩ đây là một thói quen quan trọng và hữu ích, vì không phải lúc nào cũng có sẵn câu trả lời cho mọi câu hỏi của bạn, nhưng bạn có thể nhận ra đáp án bằng việc quan sát.

Ví dụ như bạn thấy một người thành công và muốn biết bí quyết của họ, có thể họ sẽ chia sẻ nhưng đó chưa hẳn là tất cả, hay thậm chí họ chia sẻ những điều khác hẳn so với hành động của mình.

Nhưng bạn có thể biết được điều đó thông qua việc quan sát họ, như quan sát xem thói quen của họ là gì? Họ có phong cách như thế nào? Thái độ của họ đối với công việc ra sao? Sản phẩm của doanh nghiệp họ có gì đặc biệt?

Có vô số câu hỏi, cũng như vô số những điều bạn có thể tự quan sát để rút ra điều gì đó, hãy tìm đáp án cho những băn khoăn của mình.

Dù cho bạn không đang tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi nào, thì thói quen quan sát, phân tích những điều xung quanh chắc chắn cũng sẽ giúp bạn nhận ra được nhiều điều hay ho, hữu ích đó.

#2. Kĩ năng phân tích

Theo mình thấy thì kĩ năng phân tích là rất cần thiết trong mọi lĩnh vực.

Bạn có thể gia tăng khả năng phân tích cũng như luyện tập nhiều hơn thông qua việc xây dựng thái độ chủ động hơn khi tiếp nhận một thông tin nào đó.

Ví dụ như khi đọc sách, thay vì chỉ đọc một cách thụ động, thì bạn nên tập trung hơn vào nội dung, và thử phân tích các ý, các luận điểm trong đó xem sao.

Chẳng hạn như khi bạn đọc xong một chương và thử phân tích trong chương này đề cập đến những vấn đề chính nào, trong mỗi vấn đề lại có những ý nhỏ nào cần chú ý,…

Hay khi đọc một bài giải toán, thay vì chỉ đọc qua, bạn nên phân tích xem bài giải này gồm các bước nào, phải thực hiện bước nào trước, và bước nào cần lưu ý nhất…

Nếu như trước đó bạn chưa có thói quen phân tích các thông tin mà mình tiếp nhận, thì có lẽ bạn nên thử ngay đi nhé, hãy tạo thói quen chủ động và phân tích chúng một cách rõ ràng hơn.

Mình tin là bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn, cũng như ghi nhớ được lâu hơn, hiểu rõ hơn những thông tin mà bạn đã tiếp cận.

#3. Kĩ năng suy luận

Suy luận là kĩ năng giúp bạn đưa ra kết luận, rút ra điều gì đó dựa trên những thông tin, và những dữ liệu mà bạn có được.

Thường thì để suy luận một điều gì đó, bạn cần có thông tin, kiến thức, cũng như hiểu về vấn đề đó ở một mức nhất định, giống như là bạn cần có đủ “nguyên liệu” trước khi tạo thành một “thành quả” vậy đó.

Để cải thiện và nâng cao khả năng suy luận, bạn nên tập cách đưa ra những suy luận của mình dựa trên những thông tin, những dữ liệu, những kiến thức mà bạn có một cách logic, có cơ sở, tránh đưa ra các suy đoán theo hướng chủ quan hay mơ hồ mà chưa xem xét kĩ càng.

#4. Kĩ năng giao tiếp

Kĩ năng giao tiếp luôn nằm trong top các kĩ năng mà ai cũng cần rèn luyện và phát triển hơn nữa đúng không nè?

Trong khía cạnh phản biện thì kĩ năng giao tiếp cũng quan trọng không kém, kĩ năng này góp phần lớn trong việc giúp chúng ta giải thích, diễn đạt và truyền tải nội dung một cách hiệu quả hơn.

Ngoài ra, với khả năng giao tiếp tốt, bạn cũng dễ dàng thuyết phục mọi người hơn, đồng thời tạo ra những cuộc thảo luận chất lượng, hiệu quả.

Bạn có thể rèn luyện khả năng này bằng cách chú ý đến việc chia sẻ và lắng nghe của bản thân trong các cuộc thảo luận, trò chuyện.

Hãy thử để ý xem bạn có đang nói quá nhiều hay im lặng quá nhiều hay không, bạn nên sử dụng kĩ năng quan sát và phân tích để xem mình cần cải thiện những điểm nào, sau đó dùng khả năng suy luận để đưa ra hướng cải thiện phù hợp, để giữ cho bản thân một thái độ tốt và giao tiếp hiệu quả hơn.

#5. Kĩ năng giải quyết vấn đề

Ai cũng sẽ phải trải qua nhiều vấn đề trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đúng không nè?

Vấn đề thì luôn tồn tại và phát sinh, nhưng quan trọng là cách chúng ta đối mặt với nó, giải quyết nó như thế nào mới là yếu tố quyết định.

Dựa trên sự kết hợp những bước quan sát, phân tích, suy luận thì bạn có thể đưa ra được những giải pháp, cách giải quyết cho một vấn đề nào đó.

Để giải quyết vấn đề được hiệu quả thì việc hiểu rõ mọi mặt, nắm bắt được vấn đề cần xử lý là một điều rất cần thiết.

Chỉ khi bạn hiểu rõ điều mình đang phải đối mặt thì bạn mới có thể tìm ra cách giải quyết tốt nhất.

Quay lại với ví dụ giải toán, nếu như bạn không nắm được toàn bộ dữ liệu đề bài cung cấp và các lý thuyết, hay kiến thức nền tảng, thì bạn sẽ không có cơ sở hay sự hiểu biết đủ để tìm ra lời giải.

Vậy nên, để giải quyết vấn đề chính xác và hiệu quả thì bạn cần hiểu rõ những thông tin về nó và kết hợp chúng cùng các kĩ năng, kiến thức và kinh nghiệm của bản thân để giải quyết vấn đề.

III. Tầm quan trọng của tư duy phản biện

Dựa vào những thông tin ở trên thì chắc có lẽ các bạn cũng thấy được sự cần thiết và những lợi ích của tư duy phản biện vào trong đời sống rồi đúng không nè?

Và ở phần này mình sẽ tóm lược và giải thích thêm tại sao kĩ năng này lại quan trọng đến vậy nhé.

Đầu tiên, tư duy phản biện thể hiện sự chủ động của bạn trong việc tiếp thu, xử lý các thông tin trước khi thật sự chấp nhận và tiếp nhận chúng.

Việc này giúp bạn phân biệt được rõ ràng hơn tính đúng, sai của một thông tin nào đó, tránh việc tiếp thu tất cả mọi thứ mà không biết cách sàng lọc thông tin, để biết xem chúng có chính xác, đáng tin cậy hay không.

Ngoài ra, tư duy phản biện giúp bạn xây dựng tính độc lập, vững vàng đối với những quan điểm, ý kiến của cá nhân mình, dám thể hiện những điều bản thân mình tin tưởng.

Ví dụ như khi thảo luận nhóm, bạn có thể thoải mái đưa ra ý tưởng của bản thân và góp ý, nhận xét những ý kiến của các thành viên khác, bạn dám nói ra những điều bạn nghĩ là đúng hay sai.

Hơn nữa, bạn có thể hạn chế những khả năng mắc sai lầm hay bị lừa dối, với sự phân tích, lập luận của bản thân, bạn sẽ không nghe theo và tin tất cả những gì người khác nói mà làm theo.

Chẳng hạn như người này nói bạn nên làm như thế này, người kia lại bảo bạn phải làm như thế kia thì mới tốt hơn….

Nếu bạn không có khả năng phân tích, suy luận tốt, bạn sẽ dễ dàng bị cuốn theo và hành động dựa trên những điều người khác nói và người khác muốn, từ đó có thể dẫn đến tình trạng bị lừa dối, lợi dụng, bị bị người khác coi thường.

Và một điều khác tích cực hơn mà bạn có thể nhận được từ kĩ năng này, đó là mở ra cho bạn nhiều hướng giải quyết các vấn đề hơn.

Bạn có thể dùng kĩ năng này để tìm ra những cách đối phó hiệu quả nhất với các vấn đề mà bạn đang gặp phải, giúp mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, cũng như đạt được nhiều kết quả chất lượng hơn.

Tóm lại, từ những điều trên các bạn có thể thấy được mức độ quan trọng cũng như sự cần thiết, những lợi ích mà kĩ năng này mang lại như thế nào rồi đó.

Vậy nên, hãy dành thêm thời gian nghiên cứu, lên kế hoạch rèn luyện, nâng cao kĩ năng tư duy phản biện của bản thân nhiều hơn nhé. ^^

Chắc chắn là kĩ năng này sẽ giúp ích và đồng hành cùng bạn ở rất nhiều những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống.

Lời kết: Vừa rồi là những thông tin mà mình muốn chia sẻ đến các bạn về chủ đề tư duy phản biện.

Đây đều là những thông tin mà mình tìm hiểu được, cũng như là những quan điểm và trải nghiệm của cá nhân mình. Vậy nên hi vọng là nó sẽ hữu ích với bạn. 

Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *